0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ hai, 02/10/2023 20:20 (GMT+7)

Lỗ luỹ kế gần 3.000 tỷ, HAGL liên tục chậm trả gốc và lãi trái phiếu

Theo dõi KT&TD trên

Sau khi thông báo kéo dài thời gian trả gốc thêm 2 năm cho lô trái phiếu mã HAG2012.300, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE: HAG) tiếp tục cho biết chậm thanh toán lãi trái phiếu mã HAGLBOND16.26.

tm-img-alt
HAGL liên tục chậm trả gốc và lãi trái phiếu.

Theo đó, ngày 30/9/2023, HAGL phải trả số tiền lãi là 122,55 tỷ đồng trái phiếu mã HAGLBOND16.26. Lũy kế tới ngày 30/9/2023, Công ty HAGL đã chậm thanh toán lãi luỹ kế là 2.870,59 tỷ đồng và chậm thanh toán gốc luỹ kế là 1.157 tỷ đồng đối với trái phiếu mã HAGLBOND16.26.

HAGL cho biết, số tiền gốc đã thanh toán ngày 29/9/2023 là 380 tỷ đồng, lý do chậm thanh toán do nguồn tiền để thanh toán từ khoản nợ của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (hiện tại đã thoả thuận lộ trình trả nợ ba bên) và thanh lý một số tài sản không sinh lợi của công ty. Số tiền còn lại dự kiến sẽ được công ty thanh toán trong quý IV/2023.

Trước đó, ngày 29/9, HAGL cũng đã thông qua việc điều chỉnh kỳ hạn trái phiếu mã HAG2012.300, phát hành ngày 18/6/2012 với mệnh giá 300 tỷ đồng. Trong đó, kéo dài thời gian trái phiếu từ 11 năm sang 13 năm kể từ ngày phát hành, tức tăng thêm 2 năm. Điều chỉnh ngày đáo hạn trái phiếu từ ngày 30/9/2023 thành ngày 30/9/2025.

Như vậy, cách ngày đáo hạn 1 ngày, HAGL đã thông qua kéo dài kỳ hạn trái phiếu thêm 2 năm.

Theo tìm hiểu, HAGL đã phát hành lô trái phiếu với mã HAG2012.300, mệnh giá 300 tỷ đồng ngày 18/6/2012, đáo hạn ngày 30/9/2023.

Trong nửa đầu năm 2023, HAGL cho biết, ngày 30/9/2022 sẽ phải trả lãi 30,42 tỷ đồng cho trái phiếu mã HAG2012.300. Tuy nhiên, đến hạn thanh toán, công ty chỉ trả được 0,82 tỷ đồng, còn lại gần 29,6 tỷ đồng được thanh toán ngày 30/6/2023.

Liên quan đến việc thanh lý tài sản không sinh lợi, HAGL cũng cho biết công ty dự kiến dùng tài sản gắn liền với đất là công trình Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 Phù Đổng, phường Phù Đổng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Mục đích thanh lý nhằm thanh toán một phần nợ trái phiếu HAGL tại BIDV. Toàn bộ số tiền thu được từ việc chuyển nhượng khách sạn HAGL sẽ ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ lô trái phiếu này.

Về tình hình kinh doanh của HAGL, mới đây, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đã thực hiện báo cáo Kiểm toán bán niên năm 2023 của công ty với nhiều vấn đề đáng lưu ý.

Trong đó, kiểm toán nhấn mạnh tại thời điểm 30/6/2023, HAGL đang có khoản lỗ luỹ kế 2.959,5 tỷ đồng, đồng thời, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 2.004 tỷ đồng.

Theo kiểm toán viên, các điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.

HAGL cho biết, tại ngày lập BCTC hợp nhất bán niên năm 2023 đã được soát xét, tập đoàn đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, dòng tiền từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các cổ đông, tiền đi vay các ngân hàng thương mại và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.

Tập đoàn cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan. HAGL đang trong quá trình đàm phán tái cơ cấu một số khoản nợ quá hạn; đồng thời, hoạt động kinh doanh từ heo và chuối tiếp tục tạo ra nguồn tiền lớn trong năm 2023. Theo đó, tập đoàn có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo.

Bạn đang đọc bài viết Lỗ luỹ kế gần 3.000 tỷ, HAGL liên tục chậm trả gốc và lãi trái phiếu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Cộng Cà phê: Hành trình từ quán nhỏ đến thương hiệu Quốc tế
Hành trình của Cộng Cà Phê từ một quán nhỏ đến một thương hiệu toàn cầu là một câu chuyện đầy cảm hứng. Với sự khác biệt, sáng tạo và kiên trì, Cộng Cà Phê đã chứng minh rằng ngay cả với vốn điều lệ nhỏ, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể đạt được những thành công lớn

Tin mới

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.