Lãi suất huy động đang có xu hướng đảo chiều
Sau làn sóng hạ lãi suất huy động kéo dài cả năm qua, thời gian gần đây lãi suất huy động đã có xu hướng đảo chiều. Chỉ tính từ đầu tháng 5 đến nay đã có khoảng 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động, mức tăng cao nhất lên đến 0,5%/năm. Có ngân hàng tăng lãi suất 2 - 3 lần trong vòng một tháng.
Cụ thể, Ngân hàng ABBank vừa điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lên 5,2%/năm, tăng 1,1%/năm so với hôm qua. Đây là kỳ hạn duy nhất được điều chỉnh tăng.
Các kỳ hạn khác của ngân hàng này hầu như không đổi, với kỳ hạn 1-2 tháng: 2,9%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng: 3%/năm; kỳ hạn 6 tháng: 4,7%/năm; kỳ hạn 7-11 tháng: 4,1%/năm; kỳ hạn 13-60 tháng: 4,1%/năm.
Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến mới nhất, ngân hàng NCB điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng lên 4,85%/năm (tăng 0,25% so với hôm qua), kỳ hạn 7 tháng lên 4,9%/năm (tăng 0,2% so với hôm qua) và kỳ hạn 8 tháng lên 4,95%/năm (tăng 0,2%).
Ngoài ra, lãi suất huy động tại các kỳ hạn 11 - 24 tháng cũng được ngân hàng này điều chỉnh đồng loạt tăng 0,1%. Trong các kỳ hạn này, kỳ hạn 24 tháng của NCB đang có mức lãi suất cao nhất, là 6,15%/năm.
Techcombank cũng tăng lãi suất tiết kiệm 2 lần liên tiếp ngay đầu tháng 5. Hiện lãi suất huy động cao nhất ngân hàng này áp dụng cho kỳ hạn 12 - 36 tháng là 4,7%/năm.
MB cũng tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 15 tháng thêm 0,1 - 0,2%/năm. Sau khi điều chỉnh lãi suất cao nhất là 4,6%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 - 15 tháng.
Tính đến nay đã có gần 20 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm gồm: ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, ABBank, VPBank và gần đây nhất là ngân hàng số Cake by VPBank... Một số ngân hàng có mức tăng lãi suất lên đến 0,9%/năm như CB và OceanBank.
Tuy nhiên, xu hướng tăng vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, trong khi nhóm big 4 (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank) vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp lịch sử.
Làn sóng tăng mạnh lãi suất trở lại trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp kéo dài, tiền gửi dân cư cũng ghi nhận dấu hiệu dịch chuyển bớt khỏi kênh ngân hàng bởi các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. Để giữ chân được tiền nhàn rỗi, các dự báo đưa ra, khả năng lãi suất tiền gửi sẽ còn tăng.
Theo các chuyên gia, việc nâng lãi suất OMO giúp Ngân hàng Nhà nước giảm áp lực phải bán ra ngoại tệ. Trong suốt gần 1 tháng qua, dù Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bán ngoại tệ can thiệp nhưng giá bán USD tại các ngân hàng vẫn ở mức sát trần, thậm chí kịch trần cho phép và cao hơn giá bán can thiệp. Điều này gây ra áp lực lớn đối với dự trữ ngoại hối.
Theo ước đoán, lượng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước đã bán cho các ngân hàng thương mại đến nay đã chạm mốc 2,5 tỉ USD.
Do vậy việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và nghiệp vụ thị trường mở (OMO) được đánh giá nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường. Đồng thời giảm sức ép lên tỉ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng.
Tiến Hoàng (t/h)