'Lá bài chính sách đã lật hết và không còn nhiều dư địa, tháng 10 là giai đoạn khó đầu tư'
"Chứng khoán không phải là nền kinh tế, nhưng tại thời điểm khi những lá bài chính sách được gần như đã được lật toàn bộ và không còn nhiều dư địa, thì nền kinh tế lại là câu trả lời sát sườn cho những kỳ vọng", chuyên gia của DSC nhận định.
Đầu tư khi còn nhiều ẩn số vĩ mô là không dễ dàng
Sau giai đoạn hồi phục tích cực của hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới, khi mà các rủi ro liên thị trường bị lãng quên và các chính sách hỗ trợ kinh tế khiến nhà đầu tư trở nên hung phấn, thị trường chứng khoán trong tháng 9 đã bắt đầu phải đối mặt với nhiều áp lực hơn. Trong tháng 9, thị trường có lúc đã xóa bỏ gần như thành quả tăng điểm trong quý III.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán DSC trong báo cáo chiến lược đầu tư công bố mới đây, điều này đã rung lên hồi chuông cảnh tỉnh để nhà đầu tư chú ý hơn vào các vấn đề của nền kinh tế trong và ngoài nước.
"Việc đầu tư trong môi trường vĩ mô còn nhiều ẩn số chưa bao giờ là dễ dàng. Đây tiếp tục là câu chuyện của tháng 10 do bối cảnh chung vẫn đối mặt với nhiều ẩn số", chuyên gia của DSC nhấn mạnh.
Đối với thị trường thế giới, có lẽ cú đánh bất ngờ đến từ thị trường hàng hóa khi sự thiếu hụt nguồn cung dẫn đến việc tăng giá cả các loại hàng hóa, năng lượng thiết yếu, và làm dấy lên lo ngại về việc lạm phát cao sẽ trở lại. Để ngăn cản rủi ro này, trong cuộc họp FOMC tháng 9, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã cho thấy quan điểm cứng rắn hơn. Từ đó, lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ các kỳ hạn lập đỉnh mới trong nhiều năm, USD tăng mạnh trở lại và hầu hết các thị trường đã điều chỉnh mạnh.
Đối với thị trường trong nước, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức cần kích thích kinh tế trong bối cảnh toàn cầu đang thắt chặt. Những số liệu kinh tế quý III/2023 cho thấy đà phục hồi tích cực sau những nỗ lực, nhưng cũng khó để khẳng định liệu các số liệu đó có thể thỏa mãn kỳ vọng của nhà đầu tư/nhà hoạch định chính sách hay không do mức tăng trưởng vẫn thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng.
Cùng với đó, theo chuyên gia DSC, việc hạ lãi suất điều hành và sự đánh đổi về áp lực tỷ giá có vẻ vẫn chưa mang lại những hiệu quả về tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế tương xứng. Các cơ quan quản lý gần như đã sử dụng tất cả những công cụ của mình để đạt được mức tăng trưởng GDP 5,33% trong quý III.
"Chứng khoán không phải là nền kinh tế, nhưng tại thời điểm khi những lá bài chính sách được gần như đã được lật toàn bộ và không còn nhiều dư địa, thì nền kinh tế lại là câu trả lời sát sườn cho những kỳ vọng. Rất khó để nền kinh tế đạt được kế hoạch chính phủ đặt ra đầu năm", báo cáo của DSC viết.
Thậm chí, để đạt được mức tăng trưởng GDP 5% cho cả năm 2023, thì quý IV/2023 Việt Nam cũng cần đạt tăng trưởng trên 7%. Để đạt được mức 5,5% cả năm thì tăng trưởng quý IV/2023 phải đạt khoảng 9%. Những con số kể trên đều là những thách thức không nhỏ. Theo báo cáo mới nhất của IMF, cơ quan này đã đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2023 có thể chỉ đạt ở mức 4,7%.
Kỳ vọng VN-Index cân bằng ở vùng 1.080 - 1.105 điểm
Xét về mặt kỹ thuật, DSC cho hay thị trường đã xác nhận hình thành vùng phân phối dưới mẫu hình - hai đỉnh với (1) thanh khoản tăng đột biến tại vùng đỉnh, (2) biểu đồ nến tuần “ba con quạ đen” vi phạm đường viền cổ (1.170 điểm), (3) vùng đỉnh 2 ghi nhận tín hiệu giảm điểm đồng thuận tại nhóm vốn hóa lớn dẫn dắt như Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản, Thép,…
"Với áp lực giảm điểm nhanh và tâm lý giao dịch ngắn hạn bị “tổn thương”, chúng tôi cho rằng rất khó để dòng tiền ngay lập tức quay trở lại giải ngân. Dòng tiền trên thị trường có thể sẽ mất nhiều thời gian để tái tích lũy", DSC khuyến nghị.
Công ty chứng khoán này nhận định các chỉ báo kỹ thuật cho thấy thị trường không mấy mặn mà với việc giải ngân trong thời điểm hiện tại, dẫn đến xác suất cao thị trường tích lũy theo xu hướng “sideway down” để hút lực cầu quay trở lại.
DSC cho rằng chỉ số chung đã bước sang giai đoạn tích lũy tìm kiếm điểm cân bằng cung - cầu mới, đồng thời dự báo thị trường tái tích lũy trong xu hướng đi ngang hoặc điều chỉnh trong tháng 10.
DSC đánh giá tháng 10 là giai đoạn khó đầu tư bởi (1) FED dự phóng nâng lãi suất trong kỳ họp đầu tháng 11, (2) các chính sách tiền tệ thắt chặt từ FED tạo áp lực lớn hơn lên tỷ giá, gây ra lo ngại Việt Nam đảo chiều chính sách và (3) báo cáo tài chính quý III được đánh giá ở mức trung lập, có thể đẩy định giá thị trường lên mức cao.
Với xu hướng trung hạn thay đổi, DSC khuyến nghị chiến lược giao dịch ưu tiên tỷ trọng phòng thủ. Những vị thế giải ngân mới đều cần được giữ ở mức tỷ trọng thăm dò trong bất cứ kịch bản nào.
Ở thời điểm hiện tại, khi thị trường vẫn tiếp tục điều chỉnh, nhà đầu tư nên ưu tiên quan sát và giao dịch tỷ trọng phòng thủ do áp lực bán hoảng loạn còn diễn ra. Trong trường hợp thị trường tìm được điểm cân bằng quanh các vùng 1.080 - 1.105 điểm, DSC đánh giá nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư tập trung tại các nhóm xuất khẩu, hàng hóa và nhóm vốn hóa lớn (cần chờ điểm mua khi điều chỉnh).