Không sử dụng giấy tờ tùy thân để ký hợp đồng thuê bao cho người khác
Luật Viễn thông 2023 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 24/11/2023. Trong đó có quy định về việc không sử dụng giấy tờ tùy thân để ký hợp đồng thuê bao cho người khác.
Theo khoản 32 Điều 3 Luật Viễn thông 2023 quy định, thuê bao viễn thông là người sử dụng dịch vụ viễn thông có gắn với việc ấn định tài nguyên viễn thông hoặc đường truyền dẫn cụ thể.
Trong đó, các thuê bao viễn thông có các nghĩa vụ sau:
Thanh toán đầy đủ và đúng hạn tiền sử dụng dịch vụ viễn thông.
Bồi thường thiệt hại trực tiếp do lỗi của mình gây ra cho doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông.
Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin mà mình gửi, lưu giữ trên mạng viễn thông.
Không được sử dụng cơ sở hạ tầng viễn thông của doanh nghiệp viễn thông để kinh doanh dịch vụ viễn thông.
Thực hiện quy định về quản lý tài nguyên viễn thông và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông.
Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin của thuê bao viễn thông cho doanh nghiệp viễn thông khi giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông.
Không sử dụng thông tin trên giấy tờ tùy thân của mình để thực hiện giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông cho người khác, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật về viễn thông.
Chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc sử dụng số thuê bao viễn thông do mình đã giao kết hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông.
Bảo vệ mật khẩu, khóa mật mã và thiết bị đầu cuối của mình.
Như vậy, trong các nghĩa vụ được nêu trên, thuê bao viễn thông sẽ không được sử dụng thông tin trên giấy tờ tùy thân của mình để thực hiện giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông cho người khác, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật về viễn thông. (Luật Viễn thông 2009 không có quy định về vấn đề này).
Các quyền của người sử dụng dịch vụ viễn thông, thuê bao viễn thông
Ngoài các nghĩa vụ nêu trên, thuê bao viễn thông sẽ có các quyền như sau:
Lựa chọn doanh nghiệp viễn thông hoặc đại lý dịch vụ viễn thông để giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông.
Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến việc sử dụng dịch vụ viễn thông.
Sử dụng dịch vụ viễn thông theo chất lượng và giá dịch vụ trong hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông.
Từ chối sử dụng một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông theo hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông.
Được bảo đảm bí mật thông tin riêng theo quy định của pháp luật.
Khiếu nại về giá dịch vụ, chất lượng dịch vụ; được hoàn trả tiền sử dụng dịch vụ và bồi thường thiệt hại trực tiếp khác do lỗi của doanh nghiệp viễn thông hoặc đại lý dịch vụ viễn thông gây ra.
Thiết kế, lắp đặt hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác thiết kế, lắp đặt thiết bị đầu cuối, mạng nội bộ trong phạm vi địa điểm mà mình sử dụng cho đến điểm kết cuối của mạng viễn thông công cộng.
Luật Viễn thông 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, trừ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 72 Luật Viễn thông 2023, cụ thể:
Quy định về cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây tại Điều 28 và Điều 29 Luật Viễn thông 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Quy định về nộp phí duy trì sử dụng số hiệu mạng, lệ phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng tại điểm d khoản 9 Điều 50, khoản 3 Điều 71 Luật Viễn thông 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025./.