'Khám' sức khỏe DN rượu bia trước nguy cơ chịu thêm gánh nặng mới
Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành bia vẫn chưa kịp khởi sắc trong quý I/2024 thì đã phải “đau đầu” vì dự thảo mới liên quan đến luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu tính từ thời điểm áp dụng Nghị định 100, đại dịch Covid-19, ngành bia đã có 1 giai đoạn rất khó khăn kéo dài gần 4 năm
Mới đây, Bộ Tài chính đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về dự thảo sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với nhiều mặt hàng, trong đó có rượu, bia.
Theo tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án đánh thuế song nghiêng về phương án áp thuế 80% với bia vào năm 2026, sau đó tăng dần qua các năm và lên 100% vào năm 2030.
Hiện tại, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia đang là 65%. Nếu dự luật mới nhất của Bộ Tài chính được thông qua, đồng nghĩa với giá rượu, bia năm 2026 sẽ tăng thêm 20% so với năm 2025. Các năm sau đó, theo ước tính của Bộ Tài chính, giá của mặt hàng này sẽ tăng thêm 2 – 3% tùy theo lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Bộ Tài chính khẳng định: “Việc áp dụng thuế suất cao là cần thiết nhằm nâng cao nhận thức và hành động về tác hại do dùng nhiều rượu, bia. Thuế suất cao giúp giảm tiêu thụ và hạn chế lạm dụng sản phẩm này”.
Ngay trong phiên ngày 14/6 – ngày công bố đề xuất, cổ phiếu của hai ông lớn ngành bia là SAB và BHN đã lần lượt giảm 3,7% và 2,5%. Trước đó, cổ phiếu ngành bia đã có nhiều phiên bật tăng tích cực trước kỳ vọng của nhà đầu tư về sức tiêu thụ bia vào cao điểm mùa hè và mùa giải Euro 2024 bắt đầu.
Doanh nghiệp bia thêm gánh nặng
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết: “Doanh nghiệp ngành rượu, bia đang gặp khó khăn nên việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khiến các doanh nghiệp này thêm gánh nặng”.
Ông lý giải, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trong năm 2024 đẩy giá rượu bia lên cao, nhu cầu tiêu dùng theo đó cũng sẽ giảm. Điều này cũng đồng nghĩa buộc doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, gián tiếp ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước cũng như cân đối ngân sách của các địa phương.
Theo ông Thịnh, trước khi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), cần tính kỹ lộ trình và thời điểm tăng thuế sao cho phù hợp, từ đó giúp các doanh nghiệp trong ngành vượt qua khó khăn.
Trước đó, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cũng đã gửi tâm thư kiến nghị lộ trình sửa đổi Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt. Hiệp hội kiến nghị cần cân nhắc xem xét bổ sung dự án thuế tiêu thụ đặc biệt vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội từ năm 2025 trở đi và xem xét tính đồng bộ, thống nhất của các luật thuế.
Đồng thời, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát cũng đề xuất cần cân nhắc thời gian có hiệu lực của Luật thuế thu nhập đặc biệt là sau 12 tháng kể từ khi Luật thuế thu nhập đặc biệt (sửa đổi) được ban hành và giãn lộ trình thực hiện hợp lý để doanh nghiệp có đủ thời gian điều chỉnh và lên kế hoạch thực hiện chính sách có tác động lớn và tránh tác động tăng sốc thị trường.
Thực tế, những dư âm từ năm 2023 khó khăn vẫn đang hiện hữu trong bức tranh lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp ngành bia quý I/2024.
Mặc dù ghi nhận mức lãi nhưng so với những quý trước đó, mức lãi mà Sabeco và Công ty Bia Sài Gòn – Miền Trung đạt được trong quý I/2024 vẫn là con số khiêm tốn.
Mặc dù doanh thu bán hàng của Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) trong quý I/2024 tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng Habeco vẫn lỗ sau thuế gần 21 tỷ đồng.
Tương tự, hai công ty con của Bia Hà Nội là CTCP Bia Hà Nội - Hải Dương và CTCP Bia Hà Nội - Thanh Hóa cũng chứng kiến mức lợi nhuận đi lùi trong quý đầu năm 2024. Trong đó, CTCP Bia Hà Nội - Hải Dương lỗ hơn 1 tỷ đồng còn CTCP Bia Hà Nội - Thanh Hóa lỗ hơn 3 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp khác, dù vẫn duy trì mức tăng trưởng dương nhưng lợi nhuận thu về chỉ là con số khiêm tốn. Đơn cử như Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ghi nhận doanh thu thuần đạt 72.000 tỷ và lãi sau thuế đạt gần 1.024 tỷ đồng trong quý I/2024. Mức lãi sau thuế của Sabeco chỉ tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không kể đến thuế tiêu thụ đặc biệt, các doanh nghiệp ngành bia vốn dĩ đang trong cảnh “một cổ hai tròng” khi phải chịu tác động từ Nghị định 100 và kinh tế chưa phục hồi khiến tiêu thụ bia giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp lên doanh thu.
Theo thống kê của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, trong năm 2023, tổng doanh thu thuần của nhóm doanh nghiệp rượu bia niêm yết trên sàn chứng khoán giảm từ hơn 55.000 tỷ đồng xuống còn 45.000 tỷ đồng.
“Những quy định liên quan đến xử lý vi phạm nồng độ cồn đã khiến các doanh nghiệp ngành bia, rượu sụt giảm doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng trong năm 2023 và xu hướng này sẽ còn kéo dài”, đại diện Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho biết.
Trên “nền” khó khăn này, nếu dự luật thuế tiêu thụ đặc biệt được thông qua, “sức khỏe” của các doanh nghiệp trong ngành khó có thể phục hồi sớm.
Đổi mới hoặc đi lùi
Sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng giảm cùng các chính sách liên quan đến cấm nồng độ cồn và thuế thu nhập đặc biệt đang đặt các doanh nghiệp ngành bia vào một lựa chọn mang tính “sinh tồn”: hoặc là thay đổi để thích ứng, hoặc là tiếp tục chuỗi ngày thua lỗ.
Ngay từ những ngày đầu khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp bia đã nhanh chóng tái cấu trúc hoạt động như cắt giảm chi phí, tiền chi cho quảng cáo, khuyến mãi để thích ứng với thị trường.
Như trường hợp của Sabeco, chi phí cho quảng cáo, khuyến mãi của doanh nghiệp này liên tục tăng trong giai đoạn 2018 - 2022, thậm chí còn vượt 3.000 tỷ đồng vào năm 2022. Thế nhưng sang năm 2023, Habeco đã phải thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi phí quảng cáo, khuyến mãi.
Theo báo cáo tài chính năm 2023, số tiền mà doanh nghiệp này chi cho quảng cáo và khuyến mại đã giảm xuống còn 2.814 tỷ đồng, mức thấp thấp nhất kể từ quý I/2022.
Tuy nhiên, việc cắt giảm chi phí để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp đâu đó cũng chỉ là biện pháp ngắn hạn. Nhiều doanh nghiệp bia đã phải nghĩ đến chặng đường dài hơi hơn, bắt đầu manh nha dịch chuyển sang sản xuất đồ uống không cồn nhằm đa dạng hóa sản phẩm.
Heineken là một trong những hãng bia nhanh nhạy ra mắt bia 0 cồn tại thị trường Việt kể từ năm 2020, thời điểm Nghị định 100 bắt đầu có hiệu lực. Kế sau đó, nhiều hãng bia như Sagota (công ty liên kết của Sabeco), Steiger (Tiệp Khắc), Baltika (Nga),… cũng cho ra đời những loại bia 0 cồn khác.
Thị trường bia 0 cồn cũng ghi nhận tín hiệu tích cực trong dịp Tết năm 2024 và tiếp tục duy trì đến nay. Theo báo cáo về ngành bia của KPMG, bia 0 cồn chỉ chiếm 0,12% trong tổng lượng bia tiêu thụ trong năm 2021. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên 0,5% trong dịp Tết năm 2024.
Trong tương lai gần, nhiều nhà sản xuất bia có kế hoạch duy trì sự hiện diện của Bia có nồng độ cồn thấp/không cồn bằng cách mở rộng sang các kênh thương mại hiện đại và tăng cường các hoạt động quảng cáo để nâng cao nhận thức, các chuyên gia của KPMG nhận định.
Ông Alexander Koch, Giám đốc Thương mại Cấp cao của Heineken Việt Nam, từng nhận định, thị trường bia không cồn sẽ nhận được hỗ trợ từ việc nhóm người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe cũng như các quy định pháp luật quản lý rượu bia ngày càng nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, theo đại diện KPMG, việc thiếu một định nghĩa và quy định rõ ràng về đồ uống không có nồng độ cồn/có nồng độ cồn thấp có thể ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp ngành bia. Điều này cho thấy rằng chặng đường phía trước của các doanh nghiệp ngành bia chắc hẳn không hề dễ dàng.
Khánh Tú