Khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN năm 2025
Chiều 25/2, tại Hà Nội, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 với chủ đề “Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động” đã chính thức khai mạc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Tham dự diễn đàn, về phía Việt Nam, có các Ủy viên Bộ Chính trị: Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn...
Các đại biểu quốc tế tham dự có: Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn; Tổng thống Timor Leste José Ramos-Horta, cùng nhiều lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và đối tác.

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, với hơn 650 triệu dân, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, đã khẳng định vị thế trung tâm trong các cấu trúc kinh tế, an ninh của khu vực. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, diễn biến địa chính trị toàn cầu trong những tuần vừa qua đang gây ra nhiều lo lắng, cho thấy thế giới đang đứng trước bước ngoặt quan trọng, đặt ra nhiều câu hỏi về quan hệ giữa các cường quốc, quan hệ quốc tế kể từ sau Thế chiến II. Trong bối cảnh đó, các tổ chức khu vực như ASEAN càng cần khẳng định được vai trò và tính thích ứng để đảm bảo tính bền vững và ổn định của các quyết định, khẳng định được tính bao trùm để đối mặt các biến động mới.
Đề cập hành trình 3 thập kỷ của Việt Nam với ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam sẽ luôn là thành viên có trách nhiệm trong gia đình ASEAN, sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa để xây dựng cộng đồng ASEAN trở thành hình mẫu của hội nhập khu vực, và là biểu tượng của hòa bình, ổn định, thịnh vượng chung trong khu vực và trên toàn cầu.
Phát biểu định hướng tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nhiều biến động, xu thế phân cực hóa về chính trị, già hóa về dân số, cạn kiệt về tài nguyên, đa dạng hóa về thị trường, cung ứng; xanh hóa về sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; số hóa về mọi hoạt động của con người… đặt ra nhiều bài toán khó nhưng cũng mở ra những cơ hội hiếm có để ASEAN khẳng định vị thế và bứt phá vươn lên.
Điểm lại lịch sử ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong giai đoạn phát triển mới, ASEAN được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, với GDP hơn 10.000 tỷ USD, thị trường hơn 800 triệu dân, nền kinh tế số hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ASEAN vươn tới mục tiêu này không chỉ cần sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng mà còn cần tư duy đột phá, nguồn lực tập trung và hành động quyết liệt.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề xuất ba ưu tiên chiến lược và ba đột phá hành động.
Ba ưu tiên chiến lược gồm: Thứ nhất là củng cố ASEAN tự chủ về chiến lược thông qua tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Thứ hai là xây dựng một ASEAN tự cường về kinh tế thông qua đổi mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thứ ba là giữ vững giá trị và bản sắc ASEAN như tinh thần đồng thuận, thống nhất và hài hòa, tôn trọng sự khác biệt.

Ba đột phá hành động gồm: Thứ nhất là xây dựng cơ chế ra quyết định hiệu quả, linh hoạt hơn, vừa đảm bảo nguyên tắc đồng thuận, vừa có cơ chế đặc thù cho các sáng kiến chiến lược, tạo đột phá. Thứ hai là đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động nguồn lực phát triển khu vực, nhất là các dự án trọng điểm huy động khu vực tư nhân, kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội cho phát triển; loại bỏ rào cản hạn chế thương mại truyền thống, phát triển kinh tế số trong ASEAN. Thứ ba là tăng cường kết nối ASEAN, nhất là về hạ tầng, giao lưu nhân dân, hài hòa hóa về thể chế, rút ngắn hơn nữa quá trình ra quyết định và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong từng nước ASEAN để đẩy mạnh hợp tác.
Tại phiên khai mạc diễn đàn, Tổng thống Timor Leste José Ramos-Horta; Phó Thủ tướng Lào, Chủ tịch ASEAN 2024 Saleumxay Kommasith đã có bài phát biểu trực tiếp. Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra; Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen; Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed gửi thông điệp ghi hình tới diễn đàn.
Các bài phát biểu đánh giá cao hành trình phát triển của ASEAN cũng như sáng kiến tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN của Việt Nam. Các ý kiến nhấn mạnh ASEAN là chất keo gắn kết các nền văn hóa, nền chính trị đa dạng, với các môi trường kinh tế xã hội vô cùng năng động; khẳng định ASEAN luôn đóng vai trò quyết định trong duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Sau lễ khai mạc, các đại biểu đã bước vào hai phiên toàn thể đầu tiên với các chủ đề “Các xu hướng lớn tác động đến ASEAN và thế giới đến năm 2035” và “Củng cố các nguyên tắc nền tảng của ASEAN nhằm ứng phó với các thách thức trong tương lai”.