Khai mạc sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024
Với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”,
Chiều 30/9, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND thành phố Hà Nội đã khai mạc sự kiện “Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 (Techconnect and Innovation Vietnam 2024) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.
Dự sự kiện, về phía đại biểu Trung ương có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, nguyên Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; về phía thành phố Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố cùng đại diện một số sở ngành, quận huyện trên địa bàn Thành phố.
Đây là sự kiện quan trọng chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959-2024) và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024
Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Việt Nam đang phấn đấu năm 2030 sẽ nằm trong TOP 50 về GCI và TOP 40 nước trên thế giới về GII, góp phần khẳng định vị thế của đất nước trên bản đồ công nghệ thế giới.
Theo đó, sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 được tổ chức tại thành phố Hà Nội, với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” là một trong những hoạt động có định hướng của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp tại Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 không chỉ là động lực chính giúp nâng cao năng suất, tăng trưởng bền vững, mà còn giúp tạo ra những mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia trên trường quốc tế.
Để thúc đẩy hiệu quả hơn nữa hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp của các ban, bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và nhà khoa học trên cả nước để tập trung triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm. Bao gồm:
Một là, tăng cường sự phối hợp nhằm nâng cao sự liên kết và thống nhất trong tầm nhìn chiến lược về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm; viện nghiên cứu trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh; thúc đẩy xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho KH,CN&ĐMST đặc biệt là nguồn lực từ doanh nghiệp.
Hai là, tăng cường sự phối hợp và dành nguồn lực thích hợp để tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh hoạt động đổi mới công nghệ, coi đây là một trong những giải pháp trọng tâm để mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành và cả nền kinh tế có thể nâng cao năng suất lao động.
Ba là, triển khai các giải pháp nhằm phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả và hội nhập: tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp, địa phương và các đơn vị nghiên cứu, đồng thời huy động được các nguồn lực khác nhau (trong và ngoài nước) hỗ trợ để thúc đẩy việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp; Mở rộng hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ sang một số nước phát triển để tăng cường hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Bốn là, cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH,CN&ĐMST, đặc biệt là các đề án sửa đổi, bổ sung các luật đã đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ nhiệm kỳ này, bảo đảm mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, hình thành môi trường pháp lý thuận lợi và đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN.
Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc
Phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc sự kiện, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho biết Thủ đô Hà Nội địa phương tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước. Thành phố xác định đây là lợi thế đặc biệt quan trọng.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023, về số lượng doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn với 168 trên tổng số khoảng 800 doanh nghiệp KH&CN của cả nước (chiếm 21%). Thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước.
Thành phố cũng luôn quan tâm kết nối các doanh nghiệp, cá nhân với các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn, tổ chức các hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ, trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ nhằm giúp doanh nghiệp và các tổ chức khoa học và công nghệ tiếp cận, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức và nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Các đại biểu cắt băng khai mạc sự kiện
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố đã triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được ưu tiên. Trọng tâm là xây dựng những cơ chế đột phá, đặc thù nhằm đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội với những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù. Điều này sẽ tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực.
Một trong những điểm mới quan trọng của Luật là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát ở một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực khoa học công nghệ. Hà Nội cam kết tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức và nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Các đại biểu tham quan gian hàng triển lãm công nghệ
Sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2024 gồm nhiều hoạt động chuyên sâu về công nghệ, tập trung vào các ngành, lĩnh vực đang được xã hội, doanh nghiệp quan tâm. Đặc biệt, tại sự kiện sẽ diễn ra Triển lãm với 200 gian hàng giới thiệu các dự án, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, trình diễn công nghệ và kết nối cung - cầu công nghệ.
Tại Lễ khai mạc, các đại biểu đã chứng kiến lễ trao biên bản ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước ngoài.
Thu Trang