0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ bảy, 22/07/2023 07:45 (GMT+7)

“Hồi chuông” cảnh báo bảo hộ thương hiệu cho doanh nghiệp Việt

Theo dõi KT&TD trên

Câu chuyện gạo ST25 bị công ty ở Mỹ nộp hồ sơ đăng ký quyền bảo hộ, sở hữu trí tuệ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự chậm chân của doanh nghiệp Việt trong việc bảo hộ thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế.

Để hiểu thêm thông tin về vấn đề đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài đối với nông sản Việt, Tạp chí Thương Trường đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

“Hồi chuông” cảnh báo bảo hộ thương hiệu cho doanh nghiệp Việt
Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

PV: Sự việc gạo ST25 nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung bị đăng ký quyền sở hữu sản phẩm cho nhãn hiệu của mình ở nước ngoài cho thấy, đăng ký nông sản Việt ở nước ngoài đang trở thành vấn đề cấp bách, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Huân: Thương hiệu doanh nghiệp đã xây dựng và muốn xuất khẩu ra nước ngoài thì phải được đăng ký ngay từ đầu. Hiện nay, có những tổ chức ở nước ngoài họ có “tầm nhìn xa” đó là thấy doanh nghiệp ở trong nước chưa xuất khẩu ra nước ngoài, biết thương hiệu doanh nghiệp Việt nào đó nổi tiếng ở trong nước và đánh giá doanh nghiệp này có triển vọng thì đã “đi trước một bước” là đăng ký tên ở nước mà doanh nghiệp Việt có chiến lược xuất khẩu sang đó. Do đó, các doanh nghiệp Việt cần hết sức tỉnh táo, khi làm xuất khẩu thì bộ phận marketing của doanh nghiệp phải đặc biệt nhanh nhạy, tư vấn cho chủ doanh nghiệp, Hội đồng Quản trị biết những câu chuyện này. Bởi vì, không phải Chủ tịch Hội đồng Quản trị doanh nghiệp nào cũng đi làm những việc cụ thể này. Công việc này thuộc về bộ phận chuyên làm thị trường và marketing của doanh nghiệp.

Ngoài ra, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức luật sư hoạt động ở nước ngoài cũng nên tư vấn cho doanh nghiệp. Hoặc các cơ quan thương mại của Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng chung tay hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu để doanh nghiệp Việt tự “bơi” tại thị trường châu Âu hay Hoa Kỳ thì khả năng gặp rủi ro sẽ rất cao. Vì các doanh nghiệp Việt không có nhiều kinh nghiệm về hội nhập cũng như hợp tác kinh doanh với các nước châu Âu hay Hoa Kỳ. Cho nên, khi đi ra thế giới mà không có sự chuẩn bị để bảo vệ thương hiệu của mình từ chính bản thân doanh nghiệp, và sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các hiệp hội doanh nghiệp thì chắc chắn doanh nghiệp Việt sẽ luôn bị “thiệt thòi”.

PV: Theo ông, câu chuyện gạo ST25 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo gì cho doanh nghiệp Việt?

Ông Nguyễn Quang Huân: Các doanh nghiệp Việt phải tự nâng cao trình độ và kỹ năng, trong đó có kỹ năng về thị trường là quan trọng nhất. Vì bất kể một doanh nghiệp nào trước khi bước vào con đường kinh doanh thì phải có chiến lược, và trong chiến lược đó thì bao giờ cũng phải biết phân tích về mô hình PEST. Trước khi thâm nhập thị trường thì phải biết tình hình chính trị của nước đó như thế nào? Khách hàng ra sao? Khả năng bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp đến đâu? Còn khi để chuyện đã xảy sau đó các cơ quan bảo hộ của Nhà nước mới “ra tay” hỗ trợ thì sẽ rất khó. Vấn đề quan trọng ở đây là sự chủ động của doanh nghiệp, sẽ không có ai làm thay được cho doanh nghiệp nếu doanh nghiệp muốn bảo vệ được thương hiệu của mình.

PV: Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam có gần 1.000 sản phẩm đặc sản ở các vùng miền đều có thể đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương hiệu. Tuy nhiên, điều đáng buồn là trong một thời gian dài có đến 80% nông sản Việt xuất khẩu dưới cái tên của doanh nghiệp nước khác. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?

“Hồi chuông” cảnh báo bảo hộ thương hiệu cho doanh nghiệp Việt

Ông Nguyễn Quang Huân: Khả năng hội nhập với thế giới bên ngoài, kiến thức về thương mại, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam thường đi chậm so với các nước trong khu vực, như Singapore, Malaysia, Philippines… Doanh nghiệp các nước này đã có sự tiếp cận với các nước có thị trường cạnh tranh với doanh nghiệp Việt từ rất lâu. Do đó, họ biết cách “đón đầu”, còn các doanh nghiệp Việt chủ yếu mua bán nhỏ lẻ, nếu không có sự hỗ trợ từ các hiệp hội doanh nghiệp thì rất khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Như vậy, để thành công thì cần phải “tập hợp lực lượng”. Về vấn đề này, tôi được biết Bộ Công Thương, VCCI đã tổ chức rất nhiều các diễn đàn để tìm hiểu và hỗ trợ tiếp cận thị trường các nước cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này có thể chưa đến hết được các bản làng thôn xóm, các ngành nghề, các mô hình sản xuất ở nông thôn.

Tôi cho rằng, chúng ta cần tiến hành một cuộc khảo sát sau đó đưa ra các chính sách hỗ trợ. Còn nếu cứ để cho nông dân tự cung tự cấp thì không thể đi ra thế giới. Nếu các sản phẩm của chúng ta có ngon, có đẹp thì cũng bị đối thủ nước ngoài gom hết hàng. Đơn cử, những hàng hoá của chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc thì các thương lái Trung Quốc đã đến gom hết hàng từ ngay trong nước. Vấn đề ở đây là doanh nghiệp Việt còn thiếu kỹ năng, kiến thức khi giao thương với bên ngoài.

PV: Từ câu chuyện gạo ST25, ông có đề xuất gì với các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Quang Huân: Trước hết, Bộ Công Thương, VCCI nên tổ chức nhiều hơn nữa những cuộc hội nghị, hội thảo để tháo gỡ khó khăn và giúp đỡ cho các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, thương lái, doanh nhân hiểu về cách thức đăng ký sản phẩm, bảo vệ thương hiệu khi xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành địa phương cũng phải tuyên truyền cho doanh nghiệp tiếp cận được thông tin. Báo chí cũng đóng vai trò quan trọng trong khâu truyền thông cho lĩnh vực này. Cần tuyên truyền đến những nơi vùng sâu, vùng xa hẻo lánh hay tỉnh lẻ như tuyên truyền ở những thành phố lớn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Đức Thanh - Nguyễn Việt (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết “Hồi chuông” cảnh báo bảo hộ thương hiệu cho doanh nghiệp Việt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.