0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ hai, 21/08/2023 16:34 (GMT+7)

Chất lượng tài sản vẫn là chỉ tiêu tiên quyết khi lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu ngành ngân hàng

Theo dõi KT&TD trên

Nửa đầu năm, hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) đều ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng tương đối phân tán. Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng, chất lượng tài sản là chỉ tiêu tiên quyết khi lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu

Báo cáo của MBS mới đây cho thấy, tổng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng (NH) niêm yết giảm nhẹ 1.3% trong Quý 2, có cải thiện hơn nếu so với mức giảm 4.4% cúa Quý 1 năm nay. Lũy kế 6 tháng, tổng lợi nhuận sau thuế các ngân hàng giảm 2.9%, tuy nhiên nhóm các Ngân hàng Thương mại (NHTM) cổ phần Nhà nước ghi nhận kết quả khả quan hơn với mức tăng trưởng 18.5% trong nửa đầu năm, trong khi lợi nhuận nhóm các NHTM tư nhân suy giảm 11.7%.

Chi phí trích lập dự phòng của các NHTM trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 9.4% so với cùng kỳ, trong đó nhóm NHTM Nhà nước giảm 18.0% và nhóm NHTMCP tăng 26.4% so với cùng kỳ. Điều này cũng phản ánh sự phân hoá trong chất lượng tài sản của các ngân hàng trong nửa đầu năm 2023.

Việc chi phí trích lập dự phòng gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2023 không nằm ngoài dự báo, do áp lực nợ xấu tăng là hệ quả của tình trạng kinh doanh khó khăn của các doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xuất khẩu, bán lẻ,…

Chỉ tiêu tiên quyết khi lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu ngành ngân hàng

Tín dụng tăng trưởng toàn ngành chậm lại

Nửa đầu năm hầu hết các NHTM đều ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ 2022, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng tương đối phân tán giữa các NHTM. Các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với toàn ngành (6.0% so với cuối năm 2022) như HDB (9.3%), MBB (10.6%), MSB (12.7%), TCB (9.7%), và VPB (10.1%) có thể giải thích bởi hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều biến số chưa chắc chắn như hiện nay, các ngân hàng có sự lựa chọn chiến lược kinh doanh khác nhau, các ngân hàng được nêu trên có tập KHDN lớn do đó tăng trưởng tín dụng tốt hơn khi nhu cầu vốn của nhóm khách hàng này cao trong nửa đầu năm. Trong khi đó, những ngân hàng chủ động tăng trưởng chậm lại trong nửa đầu do nhu cầu tín dụng bán lẻ thấp đồng thời ưu tiên cho các nâng cao chất lượng tài sản và quan sát thị trường. Xét trên khía cạnh này thì các NHTM nhà nước đang lựa chọn cẩn trọng hơn khi, tăng trưởng chỉ đạt 35% so với chỉ tiêu NHNN đã giao, chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng. Nhóm các NHTM tư nhân chiếm khoảng 56% thị phần đang hoàn thành 50% so với hạn mức được giao.

Thứ hai, một số NHTM đã có tỷ lệ nợ xấu đã vượt lên trên 3%, do đó buộc phải cân nhắc trong các quyết định cho vay, cũng như duy trì chất lượng tín dụng.

Chỉ tiêu tiên quyết khi lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu ngành ngân hàng

MBS cho rằng tín dụng sẽ tăng tốc nhanh hơn trong nửa cuối năm 2023 dựa trên một số yếu tố tích cực bao gồm: Thứ nhất, xuất khẩu sẽ phục hồi tăng trưởng dương trên nền thấp cùng kỳ năm ngoái, cũng như cầu tiêu dùng của Trung Quốc khôi phục lại mạnh mẽ hơn sau khi mở cửa. Thứ hai, hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm bắt đầu kích hoạt lại nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Chính sách tài khoá như giảm thuế VAT từ 10% về 8%, … sẽ phát huy tác dụng kích thích nhu cầu tiêu dùng. Để tín dụng đạt được mục tiêu đề ra, ngày 10/7 Ngân hàng nhà nước đã điều chỉnh nới room tín dụng cho 11 NHTM lên mức 11% - 24%.

Tuy nhiên, theo MBS không phải ngân hàng nào cũng có thể đẩy mạnh tín dụng từ đến cuối năm. Như MBS có đề cập ở trên một số NHTM đang khá thận trọng khi cân nhắc các quyết định cho vay cũng như đảm bảo chất lượng tín dụng. Cũng theo khảo sát gần đây của Ngân hàng nhà nước, mặt bằng rủi ro tín dụng tổng thể của khách hàng được các tổ chức tín dụng nhận định tăng nhanh hơn so với kỳ trước và cùng kỳ năm trước ở hầu hết các lĩnh vực. Theo đó, các tổ chức tín dụng có xu hướng “không đổi” hoặc “thắt chặt” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng. Vì vậy, MBS cho rằng những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp tại thời điểm cuối Q2/23 sẽ là những NH có dư địa đẩy mạnh tín dụng vào nửa cuối năm hơn. Nhìn chung, MBS kì vọng tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt khoảng 12% - 13% cho cả năm 2023.

Biên lãi ròng NIM của các ngân hàng thu hẹp

Biên lãi ròng (NIM) của các NHTM niêm yết tiếp tục xu hướng giảm trong Quý 2/2023, điều này phần nào đã được dự báo trước khi lãi suất huy động mặc dù giảm song vẫn neo ở mức cao so với trước Covid-19; trong khi lãi suất cho vay liên tục giảm trong bối cảnh cầu tín dụng thấp cũng như theo chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp.

Theo quan sát của MBS, trong nửa đầu năm, trung bình các NHTM niêm yết ghi nhận NIM giảm 100 – 150 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái. Các NHTM có NIM giảm mạnh nhất bao gồm VPB và TCB, chủ yếu do nhu cầu các mảng cho vay chủ lực như tiêu dùng hay bất động sản của những ngân hàng này bị sụt giảm nghiêm trọng.

Ở chiều ngược lại, STB, VIB, SHB là những NHTM ghi nhận tăng trưởng trong thời gian qua. Nguyên nhân đến từ thanh khoản của những ngân hàng này không quá căng thẳng do cấu trúc danh mục cho vay tương đối lành mạnh và không chịu áp lực tăng lãi suất huy đồng nhằm đảm bảo thanh khoản như VPB và TCB. Trong khi đó, lãi suất cho vay gia tăng theo lãi suất thị trường trong 1H23 giúp các ngân hàng hưởng lợi về NIM.

Chỉ tiêu tiên quyết khi lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu ngành ngân hàng

MBS kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2023, nhờ kỳ vọng lãi suất điều hành giảm thêm 1 lần nữa (khoảng 0.5%) đưa lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu về mức ngang bằng với đáy giai đoạn Covid19 (lần lượt là 4.0% và 2.5%), từ đó sẽ điều chỉnh lãi suất huy động trên cả thị trường 1 và 2; giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với nhóm NHTM Nhà nước và sssbổ sung tiền gửi KBNN vào cách tính LDR giúp các ngân hàng có dư địa giảm lãi suất huy động.

Lãi suất huy động giảm sẽ giảm áp lực lên chi phí vốn, từ đó giúp các NHTM có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay nhằm kích cầu tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu vay vốn vẫn chưa thật sự phục hồi, các doanh nghiệp còn chần chừ trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh do lo ngại về tăng trưởng kinh tế, cạnh tranh về thị phần tín dụng sẽ trở nên gay gắt hơn. Vì vậy việc cạnh tranh để cho vay các doanh nghiệp tốt cũng sẽ là cuộc đua giữa các ngân hàng. Trên cơ sở đó, những ngân hàng nào cung cấp lãi suất hấp dẫn do có chi phí vốn thấp hơn là những ngân hàng sẽ có lợi thế hơn.

Chất lượng tài sản là điều kiện tiên quyết

Chất lượng tài sản của các NH là điểm đáng lưu ý từ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn ngành tại cuối Q2/2023 đạt 2.1%, tăng lần lượt 40 và 70 điểm cơ bản so với Q1/2023 và cuối năm 2022. Đây là mức NPL cao nhất kể từ Q1/22. Hầu như tất cả các ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng tại cuối Q2/2023 so với đầu năm. Các ngân hàng TMCP Nhà nước có mức tăng thấp hơn đáng kể so với nhóm NHTMCP tư nhân. Trung bình, 3 NHTM Nhà nước có NPL tăng 0.2% so với đầu năm, con số này của nhóm NHTMCP là 0.6%.

Chỉ tiêu tiên quyết khi lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu ngành ngân hàng

Đồng thời, nợ xấu nhóm 2 toàn ngành tăng 0.9% so với cuối năm 2022, lên mức 2.5% tại cuối Q2/2023. Ngày 24/04/2023, NHNN đã ban hành Thông tư 02 cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với một số điều kiện cụ thể với thời hạn một năm kể từ ngày được cơ cấu lại nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn về tài chính, đồng thời được tiếp cận nguồn vốn vay mới nhằm tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh …; việc này được thực hiện đến hết tháng 6/2024.

Đây được xem là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, trong bối cảnh khó tiếp cận được các nguồn vốn (vốn vay/vốn huy động từ trái phiếu/cổ phiếu). Do đó về nguyên tắc, một số khoản nợ đã trở thành nợ xấu song do được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, do đó xu hướng tăng nợ nhóm 2 sẽ tiếp tục trong các quý tới.

Song song với đó, LLR cũng suy giảm đáng kể và xuống dưới mức 100% (Q2/23: 97.3%) kể từ Q4/22. Môi trường lãi suất huy động cao trong nửa đầu năm 2023 khiến KQKD của các ngân hàng kém khả quan hơn (LNTT 6 tháng đầu năm 2023 của các NH niêm yết -3.1% so với cùng kỳ) hạn chế dư địa trích lập dự phòng, từ đó khiến chất lượng tài sản toàn ngành suy giảm.

MBS quan sát thấy rằng, mặc dù chất lượng tài sản toàn ngành đang suy giảm nhưng có sự phân hóa rất lớn giữa các ngân hàng dựa trên khẩu vị kinh doanh. VCB, CTG và ACB là những đại diện tiêu biểu cho nhóm ngân hàng có quy mô lớn có mức suy giảm chất lượng tài sản thấp so với trung bình ngành (VCB +0.1%, CTG +0.0% và ACB +0.3%).

Lo ngại về chất lượng tài sản xấu đi là lý do chính khiến nhà đầu tư có tâm lý 'dè chừng' với nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng. Nhà đầu tư cho rằng các ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận một cách bền vững hơn trong dài hạn, nếu như chất lượng tài sản thực sự được cải thiện. Vì vậy, một khi rủi ro về nợ xấu có dấu hiệu được giải quyết, giá cổ phiếu ngân hàng sẽ lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Trung Anh

Bạn đang đọc bài viết Chất lượng tài sản vẫn là chỉ tiêu tiên quyết khi lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu ngành ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

HoREA: Đề xuất chỉ áp thuế 6% với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong đó, HoREA đề xuất doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê được áp dụng thuế suất 6% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tăng trưởng tín dụng: 'Nóng' vì phập phù
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 28/6, tín dụng tăng 6%, đến cuối tháng 7 chỉ còn 5,66% nhưng đến 14/8 lại đạt 6,11%. Sự trồi sụt bất thường này cho thấy tăng trưởng tín dụng có rất nhiều vấn đề.

Tin mới

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.