Hành lang pháp lý vững chắc hỗ trợ tích cực cho phát triển nhà ở xã hội
Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp,
Đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội được ban hành, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển, tăng nguồn cung nhà ở xã hội.
Theo đó, các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp, chi phí mua hoặc thuê mua nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Với các chính sách ưu đãi nêu trên, việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả quan trọng. Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn, tăng 4 dự án, 6.950 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024.
Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 75 dự án với quy mô 39.884 căn, tăng 3 dự án, 1.756 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024. Số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 128 dự án với quy mô 115.379 căn. Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 300 dự án với quy mô 262.937 căn. Đáng chú ý, có 4 dự án, 5.919 căn được chấp thuận mới.
Đến nay, các ngân hàng thương mại đã giải ngân với số tiền là 1.144 tỷ đồng bao gồm, 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 11 dự án; 11 tỷ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, kết quả trên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở của đối tượng người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp rất lớn hiện nay, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội.
Nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội; vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi; cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp; thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài... một số tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ quy định pháp luật về nhà ở xã hội do các chế tài xử lý còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh.
Nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn vừa qua, ngày 27/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 với nhiều quy định mới đối với chính sách nhà ở xã hội nhằm khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển và giảm giá bán, giá cho thuê mua, giá cho thuê nhà ở xã hội ở mức vừa phải để người thu nhập thấp, công nhân lao động có thể tiếp cận mua, thuê mua, thuê nhà ở để ổn định cuộc sống.
Theo đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã có các quy định liên quan đến ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; quy định cụ thể lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội nhằm đảm bảo giá bán, giá cho thuê mua nhà ở xã hội phù hợp với người có thu nhập thấp, công nhân lao động; lược bỏ điều kiện về cư trú so với Luật Nhà ở năm 2014 nhằm đơn giản các điều kiện để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Cụ thể, giá thuê nhà ở xã hội sẽ do chủ đầu tư và bên thuê thỏa thuận theo khung giá do UBND cấp tỉnh quy định; người mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ được vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Ngoài ra, để đảm bảo nhu cầu chỗ ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bổ sung quy định liên quan đến nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, công nhân trong khu công nghiệp sẽ được xem xét thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp với giá thuê nhà lưu trú do bên thuê thỏa thuận với bên cho thuê theo khung giá do UBND cấp tỉnh quy định.
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bổ sung quy định cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được thuê nhà ở xã hội.
Để triển khai thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành để trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhằm đảm bảo việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội tại địa phương được thuận lợi, tạo điều kiện cho các trường hợp có khó khăn về chỗ ở nói chung và công nhân, người lao động nói riêng được tiếp cận với nhà ở xã hội.