Hà Nội: Chung cư giãn dân xuống cấp, bỏ hoang, “không một bóng người”
Đã nhiều năm kể từ khi dự án giãn dân phố cổ được hoàn thiện, tuy nhiên cho đến nay, 5 khối nhà trên tuyến đường Lý Sơn (Thượng Thanh, Long Biên) vẫn “nằm im bất động”, rơi vào cảnh hoang phế, xuống cấp, không được sử dụng.
Chia sẻ về nguyên do khiến những đề án giãn dân phố cổ rơi vào bế tắc, ông Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội cho biết: Giãn dân phố cổ đã được Thành phố Hà Nội đề cập đến từ những năm 1995 và định hướng báo tồn khu phố cổ đã được thành phố chú trọng nghiên cứu. Trước đó, đã có nhiều đoàn chuyên gia từ nước ngoài đến và nghiên cứu, khuyến cáo để bảo tồn khu phố cổ thì buộc phải có những đề án giãn dân đi các khu vực khác. Tại phố cổ, có những gia đình cả chục người sinh sống trong diện tích vỏn vẹn có 20m2, do đó đề án giãn dân sẽ thực hiện 2 mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đồng thời bảo tồn nguyên trạng kiến trúc của khu phố cổ.
Cụ thể, ngay từ năm 1998, UBND Thành phố Hà Nội đã đặt ra chủ trương di dân phố cổ với mục tiêu giảm mật độ dân cư cũng như áp lực lên cơ sở hạ tầng tại khu vực này. Đến tháng 1/2013, đề án giãn dân phố cổ mới chính thức được phê duyệt. Theo đề án này, mật độ dân cư phố cổ sẽ được giảm từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha vào năm 2020. Khu vực phố cổ nằm tại quận Hoàn Kiếm sẽ phải di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người.
Đề án giãn dân phố cổ được thực hiện thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 bắt đầu từ quý IV/2013 và hoàn thành vào quý IV/2016 sẽ thực hiện di dời khoảng 1.153 hộ dân. Để thực hiện kế hoạch này năm 2015, UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận cho quận Hoàn Kiếm triển khai xây dựng khu đô thị giãn dân phố cổ tại phường Việt Hưng, quận Long Biên.
Giai đoạn 2 dự kiến sẽ bố trí khoảng 30ha để di dời 5.020 hộ dân sau khi dự án giai đoạn 1 kết thúc. Việc thực hiện đề án giãn dân phố cổ dự kiến kết thúc vào năm 2020.
Đến năm 2019, Hà Nội đã giao quận Hoàn Kiếm phối hợp với các bên liên quan lựa chọn nhà đầu tư, hoàn thiện thủ tục để triển khai dự án xây dựng nhà ở giãn dân phố cổ, dự kiến thực hiện trong quý IV/2019. Theo đó, UBND quận Hoàn Kiếm và Ban quản lý phố cổ đã rà soát, phân loại các trường hợp giãn dân nhằm lấy cơ sở xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, bồi thường với các trường hợp nằm trong diện giải phóng mặt bằng bắt buộc. Các phường được rà soát là: Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Cửa Đông, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông và Lý Thái Tổ.
Tuy nhiên, đến nay, đề án giãn dân phố cổ đã không thể về đích đúng thời hạn. Những hộ dân nằm trong diện di dời, giãn dân phố cổ vẫn cố bám trụ trong những căn nhà chật hẹp. Theo số liệu từ Tổng điều tra dân số lần thứ 5 cho thấy, khu vực quận Hoàn Kiếm (bao gồm toàn bộ khu phố cổ), mật độ dân số đạt 39.830 người/km2, gấp 137,3 lần mật độ dân số toàn quốc.
Nguyên Kiến trúc sư trường Thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh: Đây là công cuộc đã có nghiên cứu chúng ta đã lập các khu tái định cư nhưng do chủ quan, khách quan người dân lại không di dời đi cho nên đến nay, phải nói là hơn 20 năm qua, chúng ta vẫn thấy đây là tồn tại lớn nhất để bảo tồn khu phố cổ. Câu hỏi đặt ra là cần có một mô hình giãn dân phù hợp, không chỉ xây dựng cho dân một chỗ để ở, mà còn phải kinh doanh được, tạo ra việc làm… đồng thời đáp ứng đủ các hạ tầng cần thiết như trường học, chợ, siêu thị… đầy đủ để đảm bảo chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất vẫn là thiếu nguồn lực thực hiện và một cơ chế chính sách “quyết liệt” đến từ chính quyền.
Diệu Anh – Nam Nguyễn