Gói tín dụng 120.000 tỷ 'bất động': Dân ngại vay, DN ngại làm
Từng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội nhưng đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng gần như vẫn “bất động”.
Tính đến nay, gói tín dụng này mới chỉ giải ngân được khoảng 1.100 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 11 dự án và 44 tỷ đồng cho người mua nhà. Nói cách khác, gói tín dụng này mới chỉ giải ngân được chưa tới 1% sau hơn 1 năm triển khai.
Trước thực trạng này, tại Hội nghị giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng mới đây, đại diện Ngân hàng nhà nước cho biết sẽ sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn.
Mặc dù chưa rõ hướng ưu đãi hơn mà NHNN đề cập đến là gì nhưng nhiều người vẫn kỳ vọng những thay đổi này sẽ giúp tháo gỡ những điểm nghẽn vốn đã tồn tại từ những ngày đầu triển khai.
Dân ngại vay
Những ngày đầu triển khai gói tín dụng này, các ngân hàng áp dụng mức lãi suất thấp hơn 1,5 – 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường trong từng giai đoạn. Tính đến nay, NHNN đã có 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đưa lãi suất cho vay của chủ đầu tư xuống còn 8%/năm và của người mua nhà xuống còn 7,5%/năm,
Tuy nhiên, trong một báo cáo mới đây, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) chỉ ra gói tín dụng này dường như chưa phù hợp với người mua, thuê nhà ở xã hội.
Lãi suất 7,5%/năm vẫn đang là mức lãi suất cao. Chưa kể, mức lãi suất này còn bị điều chỉnh 6 tháng/lần, sau thời hạn ưu đãi, ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất thỏa thuận, thả nổi. Những lý do này khiến nhiều người mua có tâm lý e ngại, dè chừng.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cũng từng nhận định: “Lãi suất là mối quan tâm lớn nhất của người đi vay”. Song, thực tế mức lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với người mua nhà ở xã hội vẫn đang cao hơn so với lãi suất của ngân hàng chính sách xã hội (4.8%/năm). Điều này khiến nhiều người nảy sinh tâm lý đợi để được vay tại ngân hàng chính sách xã hội chứ không lựa chọn gói 120.000 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, mức lãi suất “thấp hơn mặt bằng chung nhưng thấp hơn không đáng kể” của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này chính là điểm nghẽn khiến giải ngân chưa như kỳ vọng.
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị NHNN nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà ở xã hội với lãi suất vay thấp hơn 3 – 5% lãi suất vay thương mại, kỳ hạn 10 – 15 năm, tức cho vay với lãi suất thấp hơn trong thời gian dài hơn.
Đại diện Agribank cũng cho biết đang thảo luận, xem xét giảm thêm 1%/năm đối với người mua nhà, đưa lãi suất cho vay xuống còn 6,5%/năm.
Doanh nghiệp ngại làm
Có một nghịch lý đang diễn ra ở phân khúc nhà ở xã hội: ế nhưng lại thiếu cung. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại các địa phương trong giai đoạn 2021 – 2030 rơi vào khoảng 2,4 triệu căn. Nhu cầu thực tế là vậy song trong giai đoạn 2021 – 2023, cả nước mới chỉ có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411.250 căn.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản như Novaland, Vinhomes, Becamex IDC, Nam Long, TTC Land,… cùng một số doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty Đầu tư phát triển và đô thị (HUD) đã gia nhập đường đua xây dựng nhà ở xã hội với quy mô lên đến hàng chục nghìn căn.
Song, những vướng mắc chồng chéo khiến nhiều dự án xã hội vẫn chỉ “nằm trên giấy tờ.
Hồi tháng 4/2024, trong báo cáo gửi UBND thành phố, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết 8 dự án nhà ở xã hội với số lượng căn hộ dự kiến là 25.880 căn đang phải nằm chờ do nhiều vướng mắc.
Trong số đó, có 4 dự án vướng mắc về quy hoạch, 1 dự án vướng mắc về chấp thuận chủ trương chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, 2 dự án vướng mắc về pháp lý.
Tại Hội nghị về phát triển nhà ở xã hội hồi tháng 3/2024, ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch Tập đoàn Phú Cường từng chia sẻ câu chuyện doanh nghiệp triển khai một dự án nhà ở xã hội được 6 năm nhưng bị yêu cầu phải rà soát khi mọi thứ gần như hoàn thiện.
Dự án sau đó đã bị đóng bang hơn 3 – 4 năm nay, đẩy doanh nghiệp vào cảnh làm tiếp cũng không được mà bán cũng không xong. Doanh nghiệp cũng vì thế thiệt hại 2 – 3 nghìn tỷ đồng.
Chưa kể, đối với các chủ đầu tư dự án, việc vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất 8%/năm cũng không dễ dàng. Đại diện của một công ty có dự án nhà ở xã hội từng nói, thủ tục vay vốn rất lâu vì phải trải qua quá trình thẩm định hiệu quả của dự án. Tính đến nay, hiện mới chỉ có 3 ngân hàng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay vốn với số tiền giải ngân khoảng 640 tỷ đồng.
Đụng đâu vướng đó, khó chỗ này, khó chỗ kia khiến nhiều doanh nghiệp không còn muốn tham gia các dự án nhà ở xã hội. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, đơn vị đang triển khai dự án nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc từng chia sẻ, vướng mắc thủ tục pháp lý, cơ chế, chính sách, lợi nhuận,… khiến các doanh nghiệp “chán không muốn làm nữa hoặc làm một dự án rồi không muốn làm dự án thứ hai”.
Khánh Tú