0922 281 189 [email protected]
Chủ nhật, 30/03/2025 06:48 (GMT+7)

Gỡ bỏ “rào cản” để kinh tế tư nhân phát triển

Theo dõi KT&TD trên

Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, phần lớn vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên gặp không ít “rào cản” để mở rộng phát triển như thiếu vốn, thiếu kết nối, thiếu sự đổi mới công nghệ… Thậm chí, không ít doanh nghiệp tư nhân “không muốn lớn”.

Để gỡ bỏ những rào cản này, các chuyên gia cho rằng chỉ khuyến khích là chưa đủ, cần chính sách thực tế, môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển…

Cần giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp tư nhân

Thông tin đưa ra tại tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân”, kinh tế tư nhân đã và đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 40% GDP và hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước (theo số liệu năm 2023). Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp nhiều rào cản trong việc mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam vẫn thiếu những doanh nghiệp đầu tàu có sức ảnh hưởng lớn trong khu vực và toàn cầu.

Đưa ra quan điểm về nội dung trên, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân của việc thiếu doanh nghiệp đầu tàu có sức ảnh hưởng lớn chủ yếu là thiếu những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu ngành. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex chia sẻ, vừa qua, các Tổng công ty Nhà nước dù mạnh nhưng khi chuyển sang cơ chế thị trường lại gặp khó, không giữ được cán bộ giỏi hay các nhà khoa học do vướng mắc chính sách tiền lương, khó chứng minh hiệu quả công việc… dẫn đến khó phát triển. Vì thế theo ông Nam, Nhà nước cần có chính sách cho các doanh nghiệp đầu ngành.

Gỡ bỏ “rào cản” để kinh tế tư nhân phát triển
Cần tháo gỡ những “rào cản” để tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển. (Ảnh: Đ.Đ)

Cũng đề cập đến những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách khiến doanh nghiệp tư nhân khó bức phá, ông Lê Trí Thông, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng, Nhà nước cần mở rộng con đường thể chế cho doanh nghiệp, tăng cường các nguồn đầu tư, thúc đẩy dòng vốn, đồng thời nâng cao trình độ của các "tay lái" (tức là các doanh nghiệp tư nhân). Cũng theo ông Thông, muốn khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn, cần có các chương trình đào tạo nâng cao để giúp doanh nghiệp tư nhân vươn tầm, để trong kỷ nguyên vươn mình, hệ điều hành của nền kinh tế phải khác với kỷ nguyên đổi mới và khai phóng trước đây…

Nhận định về vai trò của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, GS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Đại học Quốc gia Singapore (tham dự tọa đàm qua hình thức trực tuyến từ Singapore) cho rằng, ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển "thần kỳ", khu vực kinh tế tư nhân luôn đóng vai trò quan trọng. Và ở Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, khi kinh tế tư nhân sở hữu tiềm năng lớn và có thể trở thành động lực chính nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế.

Để thực hiện hiệu quả chiến lược này, theo TS Nguyễn Quốc Việt, cần có một quy hoạch bài bản, xác định rõ ràng các lĩnh vực và công trình trọng điểm cần ưu tiên đầu tư, với sự tham gia của cả khu vực công và khu vực tư nhân. Do đó, cần phải đi sâu vào từng ngành cụ thể, xác định đúng quy hoạch và định hướng để mang lại hiệu quả thực chất cho đất nước và dân tộc.

Tuy nhiên, theo GS.TS Vũ Minh Khương, khu vực doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản, đặc biệt là vấn đề thể chế, cơ chế quản lý. Các doanh nghiệp có cơ hội tồn tại nhưng chưa thực sự phát triển mạnh mẽ do còn vướng mắc trong môi trường kinh doanh. Để thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành động lực tăng trưởng, GS.TS Vũ Minh Khương cho rằng, chỉ khuyến khích tinh thần kinh doanh là chưa đủ, mà cần có những giải pháp cụ thể và hiệu quả hơn.

Cụ thể, chuyển từ tư duy quản lý sang tầm nhìn quản trị. Cơ chế quản lý cần hướng đến tương lai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thay vì chỉ tập trung vào kiểm soát thủ tục hành chính; Cần cân bằng giữa tăng trưởng và tiến hóa; Đề cao hiệu quả nhưng không quên hiệu lực; Phát huy vai trò của Nhà nước và thị trường. Nhà nước cần tận dụng tối đa sức mạnh của thị trường để phát triển kinh tế, đồng thời, thị trường chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi Nhà nước đảm bảo sự minh bạch và công bằng.

Cần những chính sách mới, thiết thực hơn

Đồng tình với những quan điểm cũng như giải pháp mà GS.TS Vũ Minh Khương nhận định, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, để kinh tế thị trường phát triển, lực lượng kinh tế tư nhân phải trở thành nền tảng. Vai trò của Nhà nước cần theo hướng mở đường, dẫn dắt và quan trọng nhất là xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, tinh thần đổi mới là phải thay đổi triệt để, chứ không chỉ dừng lại ở việc cải tiến cái cũ. Cần mở ra một cách nhìn mới, tạo ra một hệ thống doanh nghiệp Việt Nam mới, để doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo. Vấn đề quan trọng là cần xây dựng một hệ thống thể chế mới. Các luật như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ… cũng cần được sửa đổi để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Cũng đưa ra đề xuất và giải pháp phát triển kinh tế tư nhân, TS Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia chính sách công cho rằng, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân là một chiến lược quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua các chính sách công nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng, kết hợp với việc tăng cường năng lực của khu vực kinh tế nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Để thực hiện hiệu quả chiến lược này, theo TS Nguyễn Quốc Việt, cần có một quy hoạch bài bản, xác định rõ ràng các lĩnh vực và công trình trọng điểm cần ưu tiên đầu tư, với sự tham gia của cả khu vực công và khu vực tư nhân. Do đó, cần phải đi sâu vào từng ngành cụ thể, xác định đúng quy hoạch và định hướng để mang lại hiệu quả thực chất cho đất nước và dân tộc.

Trọng tâm của chính sách phát triển kinh tế tư nhân là Nhà nước cần chọn lọc các lĩnh vực và công trình ưu tiên phát triển theo từng giai đoạn, phù hợp với khả năng huy động và phân bổ nguồn lực. Việc đặt hàng cho doanh nghiệp thực hiện các dự án trọng điểm phải được thực hiện trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn rõ ràng, công khai và có giới hạn phạm vi cụ thể.

Trong khi đó, những doanh nghiệp được lựa chọn cần là các doanh nghiệp đã hoặc có tiềm năng triển khai các công trình, lĩnh vực trọng điểm, có khả năng dẫn dắt xu hướng phát triển và tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực sang các ngành và các doanh nghiệp khác. Chính sự lan tỏa này sẽ thúc đẩy tinh thần kinh doanh trong khu vực tư nhân, khơi dậy động lực phát triển bền vững cho toàn nền kinh tế.

Bạn đang đọc bài viết Gỡ bỏ “rào cản” để kinh tế tư nhân phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Top 10 Công ty Vật liệu xây dựng uy tín năm 2025
Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Vật liệu xây dựng uy tín năm nay gồm có Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Tổng Công ty Viglacera - CTCP, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Công ty Cổ phần Vicostone...
"Kích hoạt" tiềm năng to lớn của kinh tế tư nhân
Các doanh nghiệp tư nhân đã vượt qua khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực FDI và khu vực hành chính công về phương diện tạo thu nhập cho người lao động và khoảng cách này ngày một nới rộng hơn.

Tin mới