Giá vàng năm 2025: Hết thời 'thăng hoa', tụt về 80 triệu đồng/lượng?
Sau một năm 2024 "thăng hoa", giá vàng 2025 được dự báo sẽ có nhiều biến động khó lường trong năm 2025 tới. Giá vàng trong nước theo đó cũng có nhiều con sóng.
Hai kịch bản của giá vàng
Trong năm 2024, giá vàng thế giới đã xô đổ nhiều mốc kỷ lục: 2,500 USD/ounce, 2,600 USD/ounce, 2,700 USD/ounce và cao nhất là 2,826.2 USD/ounce trong phiên 30/10. Tính đến ngày 20/12, giá vàng thế giới tăng hơn 26% so với đầu năm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, sau một năm 2024 thăng hoa, giá vàng thế giới sẽ đi vào chu kỳ giảm trong năm 2025 tới. Đà giảm của giá vàng sẽ tiếp tục kéo dài khi các quan chức Fed liên tục phát tín hiệu về khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát vẫn dai dẳng.
Mỗi một động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều ít nhiều tác động lên giá vàng. Đơn cử như mới đây, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định hạ lãi suất 0,25 điểm %, giá vàng thế giới đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần trong phiên 18/12. Những phiên tiếp theo, giá vàng tiếp tục giảm sâu. Chốt phiên giao dịch tuần trước, giá vàng thế giới ghi nhận mức giảm 2%.
Trong năm 2025, FED được cho là sẽ chỉ cắt giảm thêm 2 lần lãi suất, thay vì 4 lần như dự báo trước đó. Điều này có thể khiến các nhà đầu tư vàng đổ xô bán tháo, khiến giá của kim loại quý này giảm.
Bên cạnh đó, việc Tổng thống Trump quay trở lại Nhà Trắng cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng. Nếu Tổng thống Mỹ thực hiện chính sách mở rộng tài khóa và tăng mạnh thuế quan đối với các đối tác thương mại thì thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ giảm đáng kể. Đồng nghĩa với đó, lượng cung USD giảm mạnh, tác động tiêu cực đến giá vàng.
Chưa kể, chính sách thuế của ông Trump còn làm tăng lạm phát, buộc FED phải trì hoãn cắt giảm lãi suất, thậm chí trong trường hợp xấu là lãi suất có thể tăng trở lại.
“Số lần cắt giảm lãi suất ít ỏi của Fed trong năm 2025 và những chính sách mới dưới thời Trump 2.0 sẽ khiến giá vàng sụt giảm trong ngắn hạn”, các chuyên gia phân tích của TD Securities.
Song, ở triển vọng lạc quan hơn, giá vàng vẫn đang còn nhiều trợ lực. Về ngắn hạn, giá vàng sẽ được hỗ trợ bởi việc Quốc hội Mỹ không thể thông qua dự luật chi tiêu trước kỳ nghỉ lễ Noel và năm mới 2025.
Về dài hạn, ngoài những bất ổn địa chính trị tại Trung Đông, Đông Âu,… các nhà phân tích cũng đang chú ý đến nhu cầu tiêu dùng của các thị trường mới nổi. Trong giai đoạn đầu năm 2024, giá vàng thế giới đã được thúc đẩy bởi lượng mua kỷ lục của các ngân hàng trung ương và nhu cầu cao chưa từng có từ người tiêu dùng và nhà đầu tư châu Á, nhất là Trung Quốc. Dù nhu cầu đã chậm lại trong những tháng gần đây nhưng theo các chuyên gia, xu hướng mua vào dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2025 tới.
Trưởng phòng nghiên cứu Chantele Schieven của Capitalight Research dự báo giá vàng sẽ chạm mốc 3.000 USD/ounce trong năm tới nhưng đà tăng sẽ chỉ bắt đầu vào nửa cuối năm. Bên cạnh đó, dù giữ đà tăng nhưng giá vàng có thể sẽ chỉ tăng 13% trong năm tới, thấp hơn đáng kể so với mức tăng gần 30% của năm nay.
Giá vàng trong nước sẽ ra sao?
Kể từ đầu năm đến nay, vàng trở thành kênh đầu tư được nhiều người quan tâm khi giá vàng liên tục thiết lập những kỷ lục mới, thậm chí chinh phục mốc 92,4 triệu đồng/lượng. Báo cáo mới nhất của Cốc Cốc chỉ ra, trong năm 2024, giá vàng là nội dung được quan tâm nhất ở nhóm chủ đề tài chính và bất động sản. Cụm “giá vàng hôm nay” đã trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất với mức tăng 147% về lượng tìm kiếm.
Giá vàng SJC "khởi động" năm 2024 với mức giá dao động từ 71,5 - 74 triệu đồng/lượng trong khi mức giá của vàng nhẫn là 61,4 - 63,28 triệu đồng/lượng. Tính đến nay, giá vàng miếng SJC đã tăng tới 10,3 triệu đồng/lượng còn giá vàng nhẫn tăng tới hơn 20 triệu đồng/lượng.
Tuy vậy, sau thời kỳ tăng nóng, giá vàng trong nước đã chững lại vào những tháng cuối năm 2024. Trong tuần trước, giá vàng thế giới lao dốc khiến giá vàng SJC “bốc hơi” tới 1,3 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn cũng không đứng ngoài xu hướng khi giảm tới 800 nghìn đồng/lượng sau một tuần.
Dự báo về giá vàng trong năm 2025, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Nguyễn Trãi cho rằng có 2 kịch bản với giá vàng trong nước.
“Nếu giá vàng thế giới giảm, giá vàng trong nước có thể dao động trong khoảng từ 60 – 65 triệu đồng/lượng. Ngược lại, nếu giá vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước có thể vượt 75 – 80 triệu đồng/lượng”, ông dự báo.
Tuy nhiên, ở kịch bản tăng, mức tăng của giá vàng sẽ bị giới hạn bởi điều tiết của Nhà nước. Ông Huy cho biết Chính phủ hiện đang tiếp tục các biện pháp quản lý và bình ổn thị trường vàng, hướng đến chống “vàng hóa” nền kinh tế. Những thay đổi trong chính sách và quản lý sẽ tác động đến giá vàng trong nước, ông nói.
Tại dự thảo Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội cũng yêu cầu triển khai các giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Nghiên cứu có chính sách hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng, chuyển nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chậm nhất tháng 6/2025, NHNN phải tiến hành tổng kết, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi Nghị định số 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Trong khi đó, chia sẻ với VietnamFinance, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho rằng nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ vàng trong danh mục đầu tư năm 2025 bởi dư địa tăng vẫn còn do Fed tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất.
“Tuy nhiên, một khi nền kinh tế phục hồi, giá vàng sẽ không tăng nữa mà quay đầu giảm. Dù vậy, giá vàng cũng sẽ khó giảm sâu và mức giảm chỉ dao động quanh 5 - 15%”, ông nhấn mạnh.
Khánh Tú