Giá vàng diễn biến lạ, khó lường
Giá vàng lấp lửng chờ đợi động lực mới xuất hiện, các nhà đầu tư có thái độ thận trọng trước dữ liệu kinh tế sắp tới của Mỹ và lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Trong phiên giao dịch ngày 3/12, giá vàng giao ngay gần như không đổi ở mức 2.636,50 USD/ounce sau khi giảm tới 1% vào thứ hai. Giá vàng tương lai của Mỹ không đổi ở mức 2.659,00 USD.
Đồng USD tăng cao hơn khiến vàng thỏi định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Dữ liệu quan trọng của Mỹ trong tuần này bao gồm số lượng việc, báo cáo việc làm của ADP và báo cáo bảng lương vào cuối tuần.
Ilya Spivak - người đứng đầu bộ phận kinh tế vĩ mô toàn cầu tại Tastylive cho biết: "Vàng lấp lửng chờ đợi động lực mới xuất hiện... Kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed có thể sẽ quyết định diễn biến tiếp theo. Khả năng có thêm đợt cắt giảm 25 điểm cơ bản nữa trong tháng này. Giới đầu tư cũng chờ đợi dữ liệu nới lỏng lãi suất năm 2025".
Ngày 2/12, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết với dự báo lạm phát vẫn sẽ giảm xuống 2%, ông ủng hộ việc cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa vào cuối tháng này. Trong khi đó, Chủ tịch Fed New York John Williams cho rằng việc tiếp tục thực hiện chính sách trung lập theo thời gian là phù hợp nhất.
Những bình luận này khiến các nhà đầu tư nâng kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ngày 17-18/12 lên gần 75%. Vàng có xu hướng tăng giá trong môi trường lãi suất thấp và trong thời kỳ bất ổn địa chính trị.
Đợt tăng giá kỷ lục của vàng vào năm 2024 đã chạm ngưỡng kháng cự quanh mức 2.791 USD/ounce, dẫn đến đợt thoái lui về mức 2.540 USD/ounce và ngày 2/12 là 2.637 USD/ounce.
Dự báo giá vàng có thể đạt mức cao kỷ lục mới trên 2.800 USD/ounce, tức là tăng hơn 6% so với mức hiện tại, trước Giáng sinh.
"Chiến tranh sẽ đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục. Trong bối cảnh hiện tại, mức 2.800 USD trước Giáng sinh không phải là không thể", Matthew Jones, nhà phân tích kim loại quý tại Solomon Global cho biết.
"Cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraina đã trở thành một trong những cuộc đối đầu dữ dội và có ý nghĩa địa chính trị nhất của thế kỷ 21", ông Jones lưu ý.
Các quốc gia phương Tây, dẫn đầu là Mỹ và các đồng minh NATO, đã cung cấp viện trợ quân sự đáng kể cho Ukraina. Phương Tây đang ngầm chấp thuận cho Ukraina sử dụng tên lửa tầm xa như ATACMS hoặc Storm Shadow để nhắm vào các địa điểm chiến lược bên trong Nga.
Ông Jones nhấn mạnh, Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng các cuộc tấn công vào lãnh thổ của mình có thể gây ra những phản ứng nghiêm trọng, bao gồm cả việc nhắm vào các tuyến đường tiếp tế của phương Tây hoặc cơ sở hạ tầng ở các nước NATO. Hành động trả đũa như vậy có thể gây ra một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga, làm leo thang xung đột vượt ra ngoài biên giới Ukraina.
Hà Phong (t/h)