Giá vàng tăng mạnh và động thái của Ngân hàng Nhà nước
Trong bối cảnh giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh và nhu cầu tín dụng gia tăng vào các tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp can thiệp trên thị trường tiền tệ một cách linh động, nhằm giúp ổn định thanh khoản hệ thống.
Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành tín phiếu trở lại vào ngày 18/10 sau gần hai tháng tạm ngưng, nhằm hút bớt thanh khoản dư thừa trong hệ thống, qua đó nâng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng.
Lãi suất thị trường liên ngân hàng đã trải qua nhiều biến động đáng kể từ tháng 10 đến nay. Khởi đầu tháng 10 ở mức 4%, lãi suất qua đêm đã giảm mạnh xuống mức 2,7% vào ngày 18/10, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6.
Sau động thái phát hành lại tín phiếu của NHNN, lãi suất qua đêm liên tục duy trì xu hướng tăng. Trong phiên 18/11, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND neo ở mức 5,78%/năm trong khi giảm nhẹ 0,03 - 0,04 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần.
Tuy nhiên, tại các phiên sau đó, lãi suất VND các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống giảm mạnh. Cụ thể, lãi suất chào bình quân kỳ hạn qua đêm giảm mạnh 0,98 điểm phần trăm so với phiên 19/11, giao dịch tại 4,18%/năm; 1 tuần 4,4%/năm (-0,9 điểm phần trăm); 2 tuần 4,63%/năm (-0,78 điểm phần trăm); 1 tháng 4,8%/năm (-0,64 điểm phần trăm).
Như vậy, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm mạnh 3 phiên liên tiếp (ngày 19, 20 và 21/11). So với mức đỉnh 19 tháng được thiết lập hôm 15/11 (5,78%), lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm 1,6 điểm phần trăm.
Trong tuần, NHNN cũng ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ theo chỉ đạo của NHNN trong năm 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh…
Bám sát chỉ đạo, TCTD cần tập trung thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, rà soát tình hình thu phí đang áp dụng. Qua đó, TCTD xem xét, miễn giảm các loại phí không cần thiết, công khai mức phí cung ứng trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, các TCTD cần đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình cho vay để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kiểm soát chênh lệch giá bán vàng miếng SJC trong nước và thế giới
Giá vàng thế giới đã có một tuần tăng mạnh sau 2 tuần tuột dốc trước đó. Tại thời điểm đầu giờ sáng ngày 23/11/2024, giá vàng thế giới ở mức 2.701 USD/ounce, tăng tổng cộng gần 50 USD/ounce so với phiên trước. Vàng giao ngay ghi nhận ngày tăng thứ 5 liên tiếp, đạt mức cao nhất trong hơn 1 tuần nhờ được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn sau dự báo doanh thu ảm đạm của Tập đoàn Nvidia - một công ty dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo và căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Cùng chiều với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng tăng mạnh lên mốc 86 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC trong nước ngày 23/11 giữ ở mức 87 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và 85 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào, tăng 3,2 triệu đồng/ lượng so với tuần trước đó.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn trơn cũng tăng mạnh. Thời điểm đầu giờ sáng ngày 23/11, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn giao dịch vàng nhẫn mua vào ở mức 84,6 triệu đồng/lượng, bán ra 86,1 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn được các doanh nghiệp khác đẩy lên ở mức cao hơn, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) bán ra 86,2 triệu đồng/lượng; DOJI, Mi Hồng bán ra 86,5 triệu đồng/lượng…
Tại Công ty Phú Quý, giá vàng nhẫn niêm yết lên mức 85,1 - 86,4 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn ở mức 85,2 triệu đồng/lượng mua vào trong khi giá bán ra là 86,18 triệu đồng/lượng. So với cuối tuần trước giá vàng nhẫn đã tăng mạnh khoảng 3,5-4,5 triệu đồng/lượng.
Mơi đây, trả lời câu hỏi chất vấn trên diễn đàn Quốc hội về thị trường vàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã can thiệp, ổn định thị trường vàng với mục tiêu là giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, phòng tránh các hiện tượng nhập lậu vàng.
Hiện nay, giá vàng vẫn tăng giảm chưa thật sự ổn định do yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế thế giới. Giá vàng còn phụ thuộc nhiều vào các biến số từ thị trường tài chính thế giới, lãi suất, tỷ giá, giá dầu… NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, căn cứ vào mục tiêu, chính sách tiền tệ trong thời gian tới để xem xét giải pháp can thiệp.
Về giải pháp căn cơ, NHNN phối hợp với các bộ, ngành đánh giá tổng kết Nghị định số 24, tham mưu, đề xuất với Chính phủ về các giải pháp giải quyết vấn đề, tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Về lâu dài, quan điểm chung của NHNN là chống vàng hóa, thực hiện các giải pháp để vàng không phải là mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ.
Thống đốc NHNN cho biết, để chống vàng hóa và đô la hóa, không khuyến khích người dân nắm giữ vàng. Vàng nếu được chuyển hóa sang VND sẽ có cơ hội đầu tư, kinh doanh, hoặc gửi tiền vào ngân hàng để cho vay sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư vào lĩnh vực khác phục vụ sản xuất, kinh doanh.