Giá gạo Việt Nam đạt kỷ lục cao nhất trong 15 năm qua
Hiện nay, giá gạo Việt Nam đang nằm ở mức cao nhất trong suốt 15 năm qua. Trong phiên 21/12, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 660-665 USD/tấn.
Mức giá cao nhất được ghi nhận
Cụ thể đây mức cao nhất kể từ năm 2008 (655-660 USD/tấn) và cũng là mức cao nhất thế giới. Giá gạo hiện tại ở các nước Việt Nam, Thái Lan là mức cao nhất lịch sử kể từ năm 2008.
Từ tháng 7/2023, sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo khiến cho sản lượng gạo của Việt Nam cán mốc 8,2 triệu tấn, Thái Lan là 8,8 triệu tấn và Pakistan là 5 triệu tấn.
Ngoài ra trong thời gian qua giá gạo thế giới tăng mạnh do nguồn cung hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá gạo Việt Nam lên mức cao nhất trong hơn 15 năm. Giá gạo Ấn Độ lên mức cao nhất trong hai tháng.
Một nhà xuất khẩu cho biết, do khoảng cách ngày càng lớn giữa giá gạo Ấn Độ và giá gạo của các nước khác nên khách hàng hiện sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn. Sản lượng gạo của Ấn Độ sau 8 năm lần đầu được dự kiến sẽ giảm trong năm nay.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan theo sau với mức tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2023, ở mức 646-650 USD/tấn, so với mức 640 USD/tấn trong tuần trước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán năm 2023 sản lượng lúa ước đạt trên 43 triệu tấn. Xuất khẩu thu về khoảng 4,6 tỷ USD. Điều này giúp cho người nông dân trồng lúa thu lãi cao.
Thời cơ vàng cho gạo Việt Nam
Lãnh đạo Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn trong khi mức tiêu thụ đã gần chạm mốc 525 triệu tấn. Chính vì thế đây là cơ hội cũng như thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Trong khi đó nhu cầu nhập khẩu ở các nước cũng đang diễn ra biến động, bạn hàng của Việt Nam đều dự báo tăng khoảng 600.000 tấn. Việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo trong năm 2024 sẽ mang đến những lợi thế nhất định cho lúa gạo Việt Nam.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ tại hội thảo “Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới”, vấn đề biến đổi khí hậu và ảnh hưởng El Nino trong năm 2024 cùng với việc hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, càng làm cho thị trường khó định đoạt hơn. Giá gạo tăng càng là cơ hội cho ngành lúa gạo nước ta. Nhiều công trình thủy lợi lớn được đầu tư xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long, đã giúp ngành lúa gạo có thể đối phó với tình hình biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Nam nhận định ngành lúa gạo sẽ đón các làn sóng mới về tăng trưởng. Tuy nhiên cơ hội luôn đi cùng thách thức. Chính vì thế để ngành lúa gạo phát triển bền vững, cần tiếp tục cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị; bảo đảm gia tăng về giá trị hơn số lượng.
Nhật Hạ