Đức Long Gia Lai đặt mục tiêu năm 2023 doanh thu đạt 1.800 tỷ đồng
Năm 2023, ban lãnh đạo DLG đặt mục tiêu doanh thu 1.800 tỷ - tăng 34% YoY và lãi sau thuế 100 tỷ đồng - cải thiện so với mức lỗ gần 1.200 tỷ của năm 2022.
Cụ thể, với lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Công ty sẽ tiến hành duy tu bảo dưỡng, đảm bảo chất lượng cho các dự án Quốc lộ 14 từ Gia Lai đến Bình Phước nhằm ổn định hoạt động thu phí, đồng thời tiếp tục đề xuất cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tăng mức thu phí theo đúng lộ trình phương án tài chính theo hợp đồng BOT đã ký.
Với lĩnh vực bất động sản, Công ty sẽ triển khai pháp lý, xây dựng và bán hàng các dự án bất động sản tại TP.HCM. Mở rộng quy mô, hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai các dự án bất động sản nhà ở, đô thị kết hợp khu du lịch nghỉ dưỡng tại các tỉnh, thành phố: Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre...
Với lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, Công ty sẽ tiến hành bảo trì, bảo dưỡng các dự án thủy điện và điện mặt trời đã đầu tư và đưa vào khai thác. Theo dõi sát sao diễn biến, cập nhật thông tin các dự án năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đã được Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII để triển khai đầu tư giai đoạn 2023 - 2027.
Với lĩnh vực điện tử và linh kiện điện tử, Công ty tiếp tục đầu tư chuyên sâu, mở rộng thị trường các nhà máy, công ty tại Đông Quản, Quảng Đông (Trung Quốc); Seoul (Hàn Quốc); Hồng Kông và Nhà máy tại TP. Thủ Đức, TP.HCM, Việt Nam nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm với mẫu mã mới.
Bên cạnh đó, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng các nhà máy sản xuất điện tử, linh kiện điện tử tại các tỉnh, thành phố như Bình Dương, Đà Nẵng nhằm gia tăng doanh thu, lợi nhuận cho các năm tới.
Trong năm 2022, Đức Long Gia Lai báo lỗ tới gần 1.200 tỷ đồng, khoản lỗ này chủ yếu đến từ chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 324 tỷ đồng sau kiểm toán, vì tăng trích lập dự phòng phải thu khó đòi của công ty mẹ và điều chỉnh chi phí dịch vụ mua ngoài từ chi phí bán hàng. Ngoài ra, chi phí bán hàng giảm 11,8 tỷ đồng, chi phí thu nhập doanh nghiệp hoãn lại tăng 2,4 tỷ đồng,...
Lãnh đạo DLG lập kế hoạch thoái vốn, chuyển nhượng một số dự án không hiệu quả để tập trung dòng tiền trả nợ ngân hàng như Đức Long Tower, bến xe Đức Long Bảo Lộc, dự án khách sạn Đức Long tại Hà Nội. HĐQT cũng đã làm việc với ngân hàng để có văn bản thống nhất cho Công ty tất toán nợ, miễn toàn bộ lãi.
Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai được biết tới là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của thị trường Việt Nam với mô hình hoạt động công ty mẹ - con.
Tháng 09/1995, thành lập Xí nghiệp Tư doanh Đức Long Gia Lai với lĩnh vực chính là chế biến gỗ tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, số vốn ban đầu là 3,6 tỷ đồng cùng 9.700 m2 đất cùng với đó là một dây chuyền chế biến gỗ thủ công, bán tự động.
Tính tới thời điểm hiện nay thì công ty đã có hơn 30 công ty thành viên và 4 công ty liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề đa dạng khác nhau. Tập đoàn đã mở rộng quy mô và có 5 công ty thành viên với trụ sở đặt tại các nước như: Trung Quốc; Hồng Kông; Hàn Quốc; Mỹ.
Lĩnh vực hoạt động chính của Đức Long Gia Lai bao gồm: sản xuất – chế biến gỗ; đá Granite; Kinh doanh dịch vụ Bến xe và Bãi đỗ; du lịch nghỉ dưỡng; khách sạn – resort; khai thác, chế biến khoáng sản; cung cấp dịch vụ bảo vệ - vệ sĩ.
Tiến Hoàng