Dư nợ tín dụng của Novaland nằm trong nhóm 1 của MB
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB cho biết, dư nợ tín dụng của Novaland tại ngân hàng đang xếp nhóm 1.
Dư nợ nằm trong nhóm 1
Mới đây, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã tổ chức hội nghị chia sẻ thông tin với các nhà đầu tư về tình hình kinh doanh năm 2023 và triển vọng kinh doanh năm 2024.
Chia sẻ thông tin về tình hình các khoản vay của Tập đoàn Novaland (HoSE: NVL) tại ngân hàng, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB cho biết, các khoản vay của Tập đoàn này đang dần tốt lên. Đặc biệt, doanh nghiệp này đã và đang tích cực giải quyết các thủ tục quan trọng tại hai dự án quy mô mô lớn là Aqua City và NovaWorld Phan Thiết, trong đó quan trọng nhất là giải quyết về pháp lý, tiến trình đang đi đúng với chủ trương hỗ trợ của Chính phủ.
“Dư nợ của Novaland và các công ty con thuộc phân loại nhóm 1 vì vẫn đang trong tiến trình bình thường. Năm ngoái, MB thu được giảm dư nợ gần 50% của NVL, khả năng phục hồi từ các dự án của doanh nghiệp tương đối khả quan”, Chủ tịch MB chia sẻ.
Về tình hình dư nợ của MB, theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023 cho thấy, đến cuối năm 2023 (không tính khoản cho vay margin của MBS) tăng 31,7% so với thời điểm đầu năm, lên mức 601.830 tỷ đồng. Về cơ cấu nợ vay, tổng cho vay các tổ chức kinh tế đạt 322.082 tỷ đồng, chiếm khoảng 53% tổng dư nợ cho vay khách hàng; cho vay cá nhân gần 275.700 tỷ đồng, chiếm gần 46% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu nhóm 3, 4, 5 tăng gần gấp đôi cùng kỳ, lên 9.800 tỷ đồng, trong đó tổng nợ có khả năng mất vốn và nợ nghi ngờ lên đến gần 6.600 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 1,1% hồi đầu năm lên 1,62%.
MB cũng ghi nhận nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) đến cuối năm 2023 đạt 587.326 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 96% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Novaland vay thêm 10.000 tỷ đồng
Trước đó, vào cuối năm 2023, Novaland đã công bố Nghị quyết về việc bảo lãnh khoản vay của công ty liên quan tại Ngân hàng MB (MBBank). Theo đó, MBBank dự kiến giải ngân tối đa 10.000 tỷ đồng cho Delta-Valley (công ty thành viên của Novaland), dư nợ của Delta-Valley tại MBBank tối đa tại mọi thời điểm là 6.000 tỷ đồng.
Mục đích vay nhằm thanh toán tiền sử dụng đất, nhu cầu đầu tư, xây dựng và phát triển Dự án Tổ hợp Khu du lịch Thung Lũng Đại Dương (NovaWorld Phan Thiet) theo quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Bình Thuận.
Bên cạnh đó, Novaland cũng bảo lãnh các khoản vay khác theo quy định tại các văn kiện tín dụng được ký kết giữa MBBank và Delta - Valley.
Theo đó, Novaland cam kết vô điều kiện, không hủy ngang và sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho Delta - Valley Bình Thuận trong trường hợp công ty con này không thực hiện và/hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ với MBBank theo các văn kiện tín dụng được ký kết giữa 2 bên.
Đồng thời, Novaland cũng cam kết dùng mọi nguồn lực để bảo đảm khả năng hoạt động liên tục, bao gồm nhưng không giới hạn việc thanh lý các tài sản để bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Delta - Valley.
Bên cạnh đó, nhà phát triển bất động này cũng cam kết vô điều kiện, không giảm tỷ lệ sở hữu vốn trực tiếp và/hoặc gián tiếp tại Delta - Valley Bình Thuận xuống thấp hơn 75% trong suốt thời gian được cấp khoản vay.
Ngoài ra, Novaland cam kết hỗ trợ vốn cho chủ đầu tư NovaWorld Phan Thiet để triển khai dự án trong trường hợp dự án thiếu nguồn đầu tư.
Dư nợ tín dụng bất động sản chiếm đến 22%
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các luật mới được ban hành (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản) ngày 11/3, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, thị trường bất động sản luôn là vấn đề lớn của nền kinh tế một đất nước. Lĩnh vực bất động sản "luôn đi cùng" với ngành ngân hàng khi chưa có ngành nào có dư nợ lớn như với bất động sản. Hiện dư nợ tín dụng với bất động sản khoảng 2,89 triệu tỷ đồng, (chiếm 22% tổng dư nợ tín dụng, trong tổng số 12,8 triệu tỷ dư nợ tín dụng).
"Có nghĩa là với mỗi 10 đồng dư nợ tín dụng, ngành bất động sản chiếm đến 2,2 đồng", Phó Thống đốc cho biết.
Ông Tú khẳng định ngành ngân hàng chưa bao giờ siết tín dụng với bất động sản. Ngành ngân hàng chỉ kiểm soát chặt chẽ những lĩnh vực có thể gây ra rủi ro. Với ngành bất động sản, rủi ro ở đây là đầu cơ, thổi giá…
"Nếu cứ mãi đẩy giá lên, đầu cơ thì sẽ không tiêu thụ được sản phẩm. Mà khi không bán được hàng sẽ không luân chuyển được dòng vốn và thu hồi được nợ", ông Tú cho biết.
Anh Thư