Dòng người chọn “di cư” đến Đà Nẵng vì những lý do này
Hàng trăm nghìn người đã di cư đến Đà Nẵng để sống, làm việc lâu dài trong hơn chục năm qua. Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên đặc sắc và hạ tầng giao thông bài bản, điều gì làm nên sức hút mãnh liệt của TP đáng đến, đáng sống, đáng đầu tư bậc nhất Việt Nam này?
Vì sao mỗi năm tăng… một phường
Theo thống kê, dân số Đà Nẵng hiện có trên 1,2 triệu người và đang không ngừng tăng lên. Trong giai đoạn 10 năm 2009-2019, số dân Đà Nẵng tăng thêm hơn 250.000 người, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 2,45%, tương đương 24.700 người. Trong đó, tăng dân số cơ học do di cư từ các địa phương khác đến là 10.000-15.000 người/năm, con số này tương đương với số dân gần 1 phường.
Bên cạnh làn sóng di cư từ khắp các tỉnh thành, số lượng người nước ngoài đến Đà Nẵng sống và làm việc cũng đang có chiều hướng gia tăng. Riêng người Hàn Quốc sinh sống, làm việc tại Đà Nẵng hiện đã lên tới 11.000 người. Rất nhiều trong số đó ban đầu chỉ xác định đến Đà Nẵng du lịch, nhưng về sau đã “phải lòng” và gắn bó lâu dài với thành phố vừa có núi, sông và biển này.
Hấp lực nào khiến hàng trăm ngàn người đã chọn đây làm quê hương thứ hai để an cư?
Trước hết, phải khẳng định rằng hiếm địa phương nào trên cả nước tiên phong đi đầu phát triển hạ tầng giao thông như Đà Nẵng. Đây là nền tảng cơ bản để xây dựng Đà nẵng thành nơi đáng sống.
Từ chỗ ngăn sông cách núi, “mặt tiền” là bờ sông với những xóm nhà chồ xập xệ, nhếch nhác, bên kia sông là “quận 3” hoang sơ với những bãi biển tuyệt đẹp song vắng bóng người, Đà Nẵng đã tạo nên “kỳ tích sông Hàn” đáng kinh ngạc. Hàng loạt cây cầu mọc lên kết nối đôi bờ. Hầm Hải Vân xuyên núi kết nối Huế - Đà Nẵng hay những tuyến đường lớn kết nối khu vực trung tâm với Bà Nà hay xuôi về Nam đi Hội An, Tam Kỳ… Còn nhiều hướng phát triển mới về giao thông cho Đà thành, ví dụ mới đây Đà Nẵng bắt tay Quảng Nam để nghiên cứu, triển khai tuyến tàu điện ngầm mới.
Sân bay quốc tế Đà Nẵng – cửa ngõ đưa Đà Nẵng ra thế giới cũng được đầu tư lớn. Cuối quý I/2023, 33 đường bay đã được khôi phục, trong đó có 25 đường bay quốc tế và 8 đường bay nội địa. Tổng số chuyến bay đến Đà Nẵng trong quý 1/2023 ước tính đạt 9.300 chuyến với hơn 1,47 triệu lượt khách. Nhiều đường bay quốc tế mới kết nối trung tâm miền Trung Việt Nam với Macau (Trung Quốc), Narita (Nhật Bản), Vientiane (Lào)…
Ngoài lợi thế tuyệt đối về hạ tầng, Đà Nẵng còn nhiều điểm ưu việt để duy trì danh hiệu “thành phố đáng sống”.
Anh Thanh Hùng (người gốc Sơn Trà) đã sinh sống và làm việc ở TP.HCM hơn 10 năm. Nhận thấy sự đổi thay chóng mặt của thành phố nơi mình sinh ra, anh Hùng đặt mục tiêu sẽ trở về quê làm việc trong năm nay. “Đã quá quen với cuộc sống bon chen, bận rộn tại Sài Gòn, mỗi dịp về quê tôi như được hồi sinh. Thành phố ngày càng đẹp đẽ, lung linh, không khí trong lành, không tắc đường, khói bụi. Cơ hội việc làm cũng không thiếu, nhất là những ngành về dịch vụ - du lịch. Không có lý do gì tôi lại không quay về Đà Nẵng để cảm nhận cuộc sống hạnh phúc hơn”, anh Hùng tâm sự.
Những người trẻ tìm thấy sự tương đồng trong đời sống đô thị năng động, trẻ trung, hiện đại với cảnh quan đô thị văn minh, phố phường thoáng rộng trong mắt người dân cả nước và du khách quốc tế. Mỗi cư dân thành phố được thụ hưởng cuộc sống đầy đủ tiện ích, hạ tầng dân sinh tiêu chuẩn cao từ trường học, bệnh viện, cơ sở vui chơi giải trí… đến các chính sách về chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng hiền tài của lãnh đạo thành phố. Hạ tầng du lịch được đầu tư với các khu du lịch Sun World Ba Na Hills, các sự kiện như “Lễ hội pháo hoa quốc tế DIFF” …
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động tới mọi mặt đời sống, Đà Nẵng cũng tiên phong ứng dụng KHCN vào các lĩnh vực hành chính công và quản lý đô thị, với mục tiêu phục vụ người dân tốt nhất. Mới đây, thành phố đã được vinh danh là địa phương tiêu biểu thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số lần thứ 2 liên tiếp tại giải thưởng "Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam - I4.0 Awards".
Bệ phóng cho tương lai
Giữ vị trí bệ đỡ của nền kinh tế Đà Nẵng, khu vực dịch vụ chiếm đến gần 70% trong cơ cấu nền kinh tế. Năm 2022, lĩnh vực này phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt gần 21.000 tỷ đồng (tăng 99,3% so với năm 2021). Đà Nẵng càng nổi tiếng hơn sau khi được Tạp chí Travel & Leisure (Mỹ) bình chọn đứng thứ 3 trong top 10 thành phố du lịch hàng đầu Đông Nam Á và World Travel Award bình chọn là “Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á” vào năm 2022.
Khai thác tối đa thế mạnh từ du lịch, thành phố với sự chung sức của các Tập đoàn kinh tế lớn đã liên tục đầu tư các sản phẩm, dịch vụ mới, nhằm gia tăng sức hút của ngành công nghiệp không khói. Những cái tên như Sun World Ba Na Hills, công viên châu Á, khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Premier Village Da Nang hay Lễ hội pháo hoa quốc tế DIFF đã trở thành tâm điểm thu hút du khách, đặc biệt là dòng khách hạng sang với mức chi tiêu cao...
Cùng với dòng vốn FDI không ngừng được rót vào các dự án lớn, các công ty toàn cầu chọn Đà Nẵng làm đại bản doanh mang đến cơ hội việc làm ngày càng nhiều và đây chính là động lực to lớn để Đà Nẵng hút nhân sự trẻ, chất lượng cao đến làm việc, đầu tư kinh doanh.
Ở chiều ngược lại, việc thu hút dòng di cư lớn từ khắp nơi đổ về cũng tạo ra nhu cầu rất lớn về chỗ ở. Đặc biệt, những dự án nhà ở tại trung tâm thành phố, có đầy đủ hệ thống tiện ích theo mô hình “all in one”, đáp ứng nhu cầu sinh sống lâu dài theo tiêu chuẩn quốc tế, sẽ luôn được săn lùng hàng đầu.
Theo các chuyên gia, Đà Nẵng sẽ còn phát triển bứt phá để trở thành đô thị biển tầm cỡ quốc tế, trung tâm tài chính hiện đại mang tầm khu vực, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp cao và củng cố vị trí “đô thị đáng đến, đáng sống, đáng đầu tư số 1 Việt Nam” với hàng loạt dự án lớn sẽ được triển khai trong tương lai như đô thị sân bay, đô thị sinh thái ven sông… Đây là cơ sở để Đà Nẵng ngày càng thu hút giới thành đạt, chuyên gia nước ngoài… đến nghỉ dưỡng, an cư và làm việc lâu dài.
PV