Doanh nghiệp đánh giá cao các chính sách về nhà ở xã hội
Ngày 27/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15. Lần đầu tiên trong Luật Nhà ở có chương riêng quy định các chính sách về nhà ở xã hội (NƠXH).
Các chính sách này được các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển NƠXH đánh giá cao và kỳ vọng chúng sớm có hiệu lực thi hành.
Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng Công ty HUD Nguyễn Việt Hùng: Luật Nhà ở sẽ giúp cho việc phát triển NƠXH thuận lợi hơn
Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 là bộ luật rất chất lượng, tích cực, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật. Nhiều chuyên gia nguyên cứu về luật cũng đánh giá, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua.
Chúng tôi cho rằng Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 sẽ có tác động rất tích cực đến phát triển NƠXH trong những năm tới, bởi nhiều vướng mắc trong thực tế đã được Luật tháo gỡ.
Thứ nhất, về quỹ đất phát triển NƠXH trong dự án nhà ở thương mại, quy định mới trong Luật giúp cho cả địa phương và chủ đầu tư linh hoạt hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ phát triển NƠXH. Chủ đầu tư có quyền được chọn hoặc phát triển NƠXH trong dự án thương mại, hoặc phát triển NƠXH bên ngoài dự án thương mại hoặc đầu tư đóng góp bằng tiền.
Thứ hai, về ưu đãi cho chủ đầu tư trong dự án NƠXH, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 quy định chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với đất được giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng NƠXH mà không phải thực hiện các thủ tục xin miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất như trước đây.
Quy định này giảm được rất nhiều thời gian, tức là tiết kiệm chi phí đầu tư cho dự án NƠXH, thông qua đó giảm được giá bán cho người lao động, tăng hiệu quả cho nhà đầu tư.
Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 cũng quy định ưu đãi về lợi nhuận cho chủ đầu tư. Theo đó, chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng mức đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng NƠXH. Đồng thời, chủ đầu tư được dành tối đa 20% diện tích đất ở trong phạm vi dự án để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, nhà ở thương mại. Chủ đầu tư dự án được hạch toán riêng, không được tính chi phí đầu tư xây dựng phần công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại này vào giá thành NƠXH và được hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại này… Như vậy, chủ đầu tư có thể có thêm lợi nhuận từ việc phát triển NƠXH thông qua phần diện tích thương mại.
Đặc biệt, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 mở rộng và bổ sung 2 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH. Đó là học sinh, sinh viên các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập và doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp…
Các quy định mới của Luật sẽ giúp cho việc phát triển NƠXH thuận lợi hơn và sớm đạt được mục tiêu Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” của Chính phủ.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước (đơn vị thành viên của Công ty Cổ phần LICOGI 13) Vũ Tuấn Đương: Với những chính sách mới, phân khúc NƠXH sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới
Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 với những quy định mới về phát triển NƠXH sẽ có tác động tích cực đến hoạt động đầu tư NƠXH của doanh nghiệp và người mua, người thuê NƠXH. Cụ thể, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH đã được mở rộng. Chính sách hỗ trợ về NƠXH có bổ sung hình thức NƠXH thuê mua, có hỗ trợ cho vay vốn Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định.
Phạm vi quỹ đất để phát triển NƠXH và điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH đã được mở rộng hơn. Nguồn vốn đầu tư NƠXH được đa dạng hơn, gồm vốn ngân sách, vốn của doanh nghiệp, quỹ Công đoàn, vốn tư nhân…
Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 đã luật hóa quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án NƠXH, để các tỉnh, thành phố thống nhất, yên tâm tổ chức thực hiện; luật hóa và mở rộng hơn ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NƠXH, nhất là về thuế.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án NƠXH được sử dụng 20% quỹ đất để đầu tư công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại, được hoạch toán riêng, không tính vào giá thành và lợi nhuận NƠXH; Chủ đầu tư được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định giá bán, giá cho thuê, giá thuê mua. Hoạt động quản lý vận hành NƠXH được quy định riêng và được coi là một hoạt động công ích… Với những quy định mới này, chắc chắn phân khúc NƠXH sẽ có sự phát triển mạnh trong thời gian tới.
Đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn NƠXH là một chủ trương tốt, một mặt nó đáp ứng nhu cầu về NƠXH rất cao hiện nay, mặt khác góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản. Để chủ trương này đạt được kết quả tốt, tôi cho rằng có 4 nhóm giải pháp chủ yếu. Thứ nhất, về mặt tổ chức, Chính phủ cần thiết lập một Ban chỉ đạo đề án do Phó Thủ tướng phụ trách làm Trưởng ban; Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Phó ban thường trực; Các phó ban là các Bộ trưởng có liên quan; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố làm ủy viên để chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt các nội dung của Đề án, đảm bảo tiến độ đề ra.
Thực tế để hoàn thành xây dựng một dự án NƠXH cần thời gian từ 3 - 5 năm, thậm chí dài hơn, vì vậy phải rất khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo mới có thể đạt được mục tiêu mà Đề án đặt ra. Hàng năm, cần có tổng kết kết quả, đánh giá và bổ sung các chính sách, cơ chế tháo gỡ các khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện. Trước mắt, cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở 2023.
Thứ hai, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần rà soát lại các quy hoạch xây dựng trên địa bàn, tạo quỹ đất và hạ tầng để phát triển các dự án NƠXH, tiến hành các thủ tục đầu tư gồm quy hoạch chi tiết, chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, ban hành các cơ chế thu hút và ưu đãi đầu tư của địa phương, kêu gọi đầu tư…; Bám sát quá trình thực hiện đầu tư các dự án và kịp thời tháo gỡ các khó khăn phát sinh trong quá trình đầu tư của chủ đầu tư dự án.
Thứ ba, Chính phủ nên thành lập một quỹ cho vay ưu đãi thông qua việc chỉ định Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng phát triển, quỹ đầu tư, các ngân hàng thương mại quốc doanh có các hạn mức cụ thể hàng năm để cho vay ưu đãi cho các chủ đầu tư và người mua NƠXH (ưu đãi về lãi suất, với thời gian vay dài hơn).
Thứ tư, nên chăng, Chính phủ ban hành một quy định riêng có tính chất đặc thù trong việc ưu tiên giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến NƠXH, đảm bảo rút gọn, nhanh chóng, kịp thời, sát thực tiễn, trách nhiệm, minh bạch và hiệu quả.