Điều kiện để mua nhà ở xã hội sắp được nới lỏng trong thời gian tới
Thời gian tới, sau khi dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, người mua nhà ở xã hội sẽ không phải đáp ứng điều kiện về cư trú. Ngoài ra, điều kiện về thu nhập và nhà ở cũng sẽ được mở rộng.
Đề cập đến vấn đề phát triển nhà ở xã hội, tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ tạo cơ chế thông thoáng hơn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho người thu nhập thấp ở đô thị.
Cụ thể, về đối tượng thụ hưởng chính sách NƠXH, dự thảo luật sửa đổi theo hướng giảm bớt các thủ tục trong việc xác định đối tượng mua NƠXH. Dự thảo trước đây có 3 tiêu chí, gồm cư trú, thu nhập và nhà ở. Dự thảo lần này bỏ tiêu chí về cư trú, vì đã là công dân Việt Nam thì chỉ cần có đủ điều kiện về thu nhập và nhà ở là được quyền mua NƠXH.
Ngoài ra, điều kiện về thu nhập cũng được xem xét theo hướng mở rộng, nâng lên ở mức thu nhập cao hơn so với hiện hành. Trước đây, Để được mua NƠXH, người dân sống tại các thành phố lớn cần có thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tức không quá 11 triệu đồng một tháng. Nếu thu nhập cao hơn, thì họ sẽ bị loại hồ sơ. Còn nếu đáp ứng tiêu chuẩn, thì với thu nhập 11 triệu đồng, họ rất khó vừa đủ tiền trang trải tiền thuê nhà, sinh hoạt hàng tháng, vừa trả nợ ngân hàng, thậm chí là không đáp ứng được nhu cầu cho vay của ngân hàng.
Về điều kiện nhà ở, trước đây nếu có nhà ở nhưng dưới 10 m2 thì mới là đối tượng mua NƠXH, nay có thể xem xét lên 15 m2/người, giống một số nước trong khu vực.
Ngay sau phát biểu của Thứ trưởng Bộ Xây dựng về việc sẽ "nới" điều kiện mua NƠXH, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình cho rằng, tiêu chí được nới lỏng sẽ mở ra cơ hội mới cho người dân tiếp cận được NƠXH một cách dễ dàng hơn.
Để làm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, đối với quy định dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất phát triển NƠXH, dự luật sẽ thay đổi theo hướng do UBND cấp tỉnh quyết định. Hay dành quỹ đất ở dự án độc lập để phát triển NƠXH.
Ngoài ra, chủ đầu tư tham gia sẽ được miễn tiền sử dụng đất, hưởng lợi nhuận 10%, được dành 20% diện tích đất thương mại dịch vụ đầu tư tiện ích, dịch vụ thương mại phục vụ cư dân tại khu vực dự án của mình.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo, Chính phủ trình, đã được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5 và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp 6 sắp tới. Và sẽ có hiệu lực ngay khi được Quốc hội thông qua.
Về kết quả phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thời gian qua, theo Bộ Xây dựng với tổng diện tích hơn 5,1 triệu mét vuông NƠXH đã xây dựng mới chỉ đạt được khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ (12,5 triệu mét vuông nhà ở).
Xét về số lượng, tính từ năm 2009 đến nay, cả nước có thêm khoảng 5.000 dự án nhà ở thương mại, nhưng chỉ có 533 dự án dành quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH , chiếm khoảng 10%. Phần còn lại các dự án đều thực hiện phương án nộp tiền chuyển giao sử dụng quỹ đất 20% này để được "toàn quyền" khai thác thương mại trên dự án đã được cấp phép.
Năm 2022, cả nước có 9 dự án NƠXH được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Cũng trong năm 2022, cả nước có 02 dự án nhà ở công nhân được cấp phép mới với quy mô 1.729 căn hộ; 01 dự án với 32 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; 04 dự án với 2.328 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Cũng theo Bộ Xây dựng, với số lượng nhà ở công nhân đã hoàn thành là 2,7 triệu mét vuông (đáp ứng khoảng hơn 340.000 người lao động) thì mới đạt khoảng 40% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2020), hầu hết số lượng công nhân còn lại hiện nay chưa có chỗ ở ổn định, đang phải ở tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng.
H. An