Đầu tư hạ tầng giao thông, nhân lực phục vụ phát triển ngành logistics
Tỉnh Gia Lai định hướng phát triển dịch vụ logistics nhằm tạo đòn bẩy cho hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, hạ tầng, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành logistics trên địa bàn tỉnh.
Với vị thế là cửa ngõ của khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, Gia Lai có thể trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa trong vùng khi có điều kiện kết nối cả khu vực Đông Bắc Campuchia và Nam Lào thông qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum). Gia Lai cũng là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ thông qua các quốc lộ 14, 19, 25. Những năm qua, hạ tầng giao thông của tỉnh được đầu tư nâng cấp đồng bộ, Cảng Hàng không Pleiku đã đủ điều kiện đón các loại máy bay hiện đại cỡ trung, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa Gia Lai với các địa phương trong cả nước.
Gia Lai là một trong những trung tâm phát triển nông nghiệp mạnh của cả nước, hiện có nhiều mặt hàng nông sản chủ lực có giá trị kinh tế như: hơn 98.000 ha cà phê, sản lượng hơn 257.000 tấn/năm, hồ tiêu hơn 13.000 ha, sản lượng hơn 47.000 tấn/năm, cao su hơn 88.000 ha với sản lượng mủ khô hơn 123.000 tấn/năm; sắn hơn 81.000 ha, sản lượng đạt trên 1,6 triệu tấn/năm; khoảng 21.000 ha trái cây các loại (phần lớn là chuối gần 5.000 ha, chanh leo hơn 3.000 ha, sầu riêng gần 2.000 ha). Trong đó có một số sản phẩm nông sản có sản lượng rất lớn như: cà phê, điều, tiêu, chanh leo…và nhiều loại nông sản khác là nguồn nguyên liệu phong phú cho chế biến và xuất khẩu hàng nông sản của tỉnh.
Trên địa bàn hiện có 3 khu công nghiệp, 23 cụm công nghiệp được quy hoạch. Theo định hướng quy hoạch, tỉnh sẽ xây dựng Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm khu phi thuế quan (khu gia công sản xuất, xuất-nhập khẩu, trưng bày triển lãm, giới thiệu sản phẩm...) và khu thuế quan (công nghiệp, đô thị, dịch vụ du lịch và các trung tâm tiếp vận...), là đầu mối giao thương vùng Tây Nguyên với các nước Campuchia, Myanmar, Thái Lan. Đây cũng là nơi thu hút đầu tư các trung tâm logistics, kho ngoại quan, kho hàng hóa chuyên dùng và các dịch vụ logistics phù hợp với ngành hàng sản xuất.
Vận chuyển hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Ảnh: VH.
Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có xác định mục tiêu “Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệ. Phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp”. Nhu cầu về logistics, đặc biệt là các dịch vụ logistics hỗ trợ bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Gia Lai rất lớn. Mặc dù vậy, do những khó khăn về địa hình, nguồn vốn đầu tư nên hiện nay ngành logistics của tỉnh Gia Lai phát triển còn hạn chế, khó khăn.
Trong đó, việc xây dựng và hình thành các trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng cạn trên địa bàn tỉnh hiện nay gặp một số khó khăn như: Sự phát triển của dịch vụ vận tải tỉnh Gia Lai chủ yếu mới đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa nội tỉnh, quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, chất lượng của dịch vụ logistics phụ thuộc phần lớn vào chất lượng của dịch vụ vận tải. Khi hoạt động vận tải được tổ chức thực hiện một cách tối ưu, chất lượng tốt sẽ góp phần đáng kể nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.
Hệ thống kết cấu hạ tầng vận tải mặc dù được đầu tư, nâng cao khả năng kết nối liên vùng nhưng tốc độ phát triển chưa theo kịp với đà phát triển của thương mại, xuất nhập khẩu, vận chuyển hành khách. Gia Lai hiện chỉ có 2 phương thức vận tải chính là đường bộ và đường hàng không nên hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh chủ yếu gồm hạ tầng đường bộ, hạ tầng đường hàng không và hạ tầng kho bãi. Nhưng năng lực khai thác của hệ thống đường bộ trên địa bàn thấp, chưa có đường bộ cao tốc; hệ thống các công trình hạ tầng giao thông còn thiếu tính đồng bộ.
Phần lớn nhân lực trong lĩnh vực logistics hiện nay đều được đào tạo từ các nguồn khác nhau, chưa được đào tạo chính quy, bài bản. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trên địa bàn chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ cơ bản, đơn lẻ, chủ yếu đảm nhận công đoạn giao nhận vận tải. Hạ tầng mạng lưới bưu chính được phát triển rộng khắp, vì đặc thù của các xã khu vực nông thôn như: diện tích tự nhiên rộng, dân cư thưa thớt, sống không tập trung…gây khó khăn rất nhiều cho việc duy trì, phát triển mạng lưới bưu chính, dẫn đến chất lượng mạng lưới tại một số nơi chưa đáp ứng được nhu cầu khách hàng...
Hạ tầng, nguồn nhân lực hiện có chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh.
Để phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy ngành logistics phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Gia Lai cần xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ logistic trên địa bàn tỉnh. Đồng thời triển khai thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường và hoạt động kinh doanh dịch vụ logictics trong các khâu lưu thông, vận chuyển, phân phối, dự trữ hàng hóa; kết hợp kiểm tra với hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các quy trình, điều kiện kinh doanh đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cần đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, thay đổi tư duy, từ sản xuất chạy theo quy mô, số lượng, chuyển dịch sản xuất theo quy chuẩn, đơn đặt hàng của từng thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm. Áp dụng các giải pháp truy xuất nguồn gốc, tích cực, chủ động tham gia các chương trình đưa các phẩm hàng hóa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, vừa góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, vừa tận dụng các chính sách hỗ trợ và hạ tầng logistics của sàn thương mại điện tử.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp như hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển hoạt động logistics; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch có liên quan, tích hợp dịch vụ logistics trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ triển khai quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, chú trọng hoàn thiện hạ tầng giao thông, đảm bảo các kết nối hỗ trợ quá trình luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, tổ chức hiệu quả các điểm nút, đầu mối giao thông quan trọng để kết nối cảng cạn, cảng biển, cảng hàng không trên địa bàn tỉnh và trong khu vực.
Đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics theo quy hoạch; nghiên cứu, thu hút đầu tư, xây dựng trung tâm logistics có quy mô phù hợp kết nối các đầu mối gom hàng, các kho tập kết, phân phối hàng. Đồng thời, gia tăng số lượng kho bãi hiện đại khi nhu cầu sản xuất tăng; thành lập các khu kho, bãi tập trung gần các khu, cụm công nghiệp, khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung; nâng cấp và hình thành mới các kho ngoại quan, kho bảo thuế, kho chuyên dùng để phục vụ hàng quá cảnh và trung chuyển; phát triển kho hàng hóa chuyên dùng phù hợp với đặc tính thương phẩm như: kho hàng lạnh, kho bảo quản nông sản, xăng dầu... và các mặt hàng đặc thù khác.
Ngoài ra, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics. Khuyến khích, thu hút các nhà cung cấp dịch vụ logistics, các doanh nghiệp logistics trong nước hoặc quốc tế đặt trụ sở, chi nhánh và văn phòng giao dịch tại tỉnh nhằm tạo điều kiện thúc đẩy xuất nhập khẩu của địa phương. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chính sách thu hút lực lượng lao động có trình độ, kỹ thuật vào hoạt động logistics…
Minh Phương