Công ty CP Sữa Quốc tế bị "điểm tên" vì nợ đóng BHXH
Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế bị Bảo hiểm xã hội Hà Nội “điểm tên” vì nợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Theo đó, đến 30/1/2023, công ty này nợ đóng BHXH cho hơn 1.800 lao động.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội vừa công khai danh sách gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng BHXH tính đến thời điểm 30/1/2023. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp nợ đến hàng chục tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội.
Theo danh sách mà Bảo hiểm xã hội Hà Nội công bố có Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (địa chỉ xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội). Cụ thể, tính đến 30/1/2023, doanh nghiệp này nợ đóng bảo hiểm cho 1.869 lao động với số tiền gần 3,4 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, CTCP Sữa Quốc tế được thành lập năm 2004, hoạt động chủ yếu là sản xuất sữa với các sản phẩm chính như sữa LiF, Kun, Bavi với 3 nhà máy tại Chương Mỹ, Ba Vì và Củ Chi. Công ty này chính thức niêm yết trên sàn UPCoM ngày 7/1/2021 với mã chứng khoán IDP. Tính đến thời điểm sáng nay 15/2/2023, mã chứng khoán IDP đang ở mức hơn 181.000 đồng/cổ phiếu.
Được biết, ông chủ của Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế là ông Tô Hải, giữ vị trí Chủ tịch HĐTV. Bà Đặng Phạm Minh Loan là Tổng giám đốc công ty. Ngoài vị trí Chủ tịch HĐTV Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế, ông Tô Hải còn biết đến là Thành viên HĐQT Sáng lập viên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (Viet Capital). Ông Hải được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán bản Việt từ năm 2007, kể từ khi thành lập công ty.
Theo Tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, vào thời điểm giữa tháng 11/2022, Công ty Gold Field International đã không còn là cổ đông lớn của Sữa Quốc tế từ 15/11 sau khi hoàn tất giao dịch bán toàn bộ 3,3 triệu cổ phiếu IDP. Khi đó, Sữa Quốc tế chỉ còn 3 cổ đông lớn là Công ty Cổ phần Blue Point sở hữu gần 32 triệu cổ phiếu (tương đương tỉ lệ 54,28%); Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt sở hữu 8,8 triệu cổ phiếu (tương đương tỉ lệ 15%) và bà Đặng Phạm Minh Loan - Tổng Giám đốc sở hữu gần 3 triệu cổ phiếu (tương đương tỉ lệ 5%).
Theo các quy định của pháp luật hiện hành, việc nợ đóng, chậm đóng, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu không sớm khắc phục, tùy theo mức độ vị phạm, các cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH. Một số trường hợp sẽ bị xử lý với khung hình phạt rất nặng.
Trao đổi với báo chí, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết từ năm 2021 đến nay, mỗi năm đoàn giám sát liên ngành cấp trung ương do Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì đã thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại 15 - 20 DN thuộc 4 - 6 tỉnh, thành phố. Tình trạng các DN chưa tuân thủ đầy đủ và đúng quy định của pháp luật về BHXH còn diễn ra khá phổ biến, trong đó nổi bật là tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH.
Năm 2017 tại 5 địa phương được đoàn giám sát liên ngành thực hiện giám sát có tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN lên tới hơn 332 tỉ đồng. Có 7/14 DN được giám sát thường xuyên chậm đóng, nợ đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN (trong khoảng 1 - 3 tháng) với tổng số tiền chậm đóng và nợ đóng BHXH hơn 28 tỉ đồng. Tại 14 DN được giám sát, có trên 1.200 NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc nhưng chưa được DN thực hiện các thủ tục để tham gia theo quy định của pháp luật...