Có thể phân vùng hạn chế hoạt động xe máy, phát triển kinh tế đô thị Thủ đô
Để thực hiện phát triển kinh tế đô thị, TP.Hà Nội đưa ra Đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030".
Theo Đề án "Phát triển kinh tế đô thị TP.Hà Nội” vừa được phê duyệt, đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu mục tiêu phát triển đô thị TP.Hà Nội theo hướng nhanh, hiệu quả, bền vững.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
TP.Hà Nội cũng đặt mục tiêu kinh tế đô thị đóng góp 85% GRDP thành phố vào năm 2025 và năm 2030 tỷ lệ đóng góp là 90%.
Về cải tạo, chỉnh trang đô thị, TP.Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND các quận tham mưu triển khai công tác cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị.
Đồng thời, thực hiện đồng bộ với việc cải tạo, chỉnh trang công trình hai bên đường, đảm bảo không giữ gìn không gian, kiến trúc đặc trưng của đô thị với phương chân đi từ trung tâm ra bên ngoài và liên hoàn, đồng bộ… theo hướng đô thị được chỉnh trang, hoàn thiện để cả khu vực nội đô lịch sử đều đẹp và "xanh hóa" những công trình phù hợp như đường, chợ, công viên…
Để thực hiện phát triển kinh tế đô thị, TP Hà Nội đưa ra 33 nhiệm vụ, dự án, đề án, chương trình ưu tiên thực hiện. Trong đó, đáng chú ý, có Đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030" giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp Công an thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện trong giai đoạn 2023-2025.
TP.Hà Nội cũng giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, thực hiện Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào", hoàn thiện trong giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” xác định, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô (phương án trước đây là 87 trạm).
Khu vực được xác định để lập trạm thu phí vào nội đô là từ đường Vành đai 3 trở vào. Cụ thể, là phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - đường Hoàng Sa - đường Trường Sa - đường Lý Sơn - đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3
Với hiệu quả xã hội, giảm ô nhiễm môi trường; điều chỉnh hành vi sử dụng phương tiện giao thông theo hướng tích cực; khuyến khích người tham gia giao thông sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện cá nhân, hướng tới xây dựng văn hóa giao thông.
Theo thống kê của Sở GTVT, tính đến tháng 11/2022, tổng số phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố là 7.784.657 phương tiện, bao gồm: 1.056.423 xe ô tô, 6.545.317 xe máy, 182.917 xe máy điện, chưa kể còn khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại Thủ đô.
Như vậy, với việc phương tiện giao thông gia tăng nhanh, tình trạng ùn tắc trên địa bàn thành phố là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần phải có các giải pháp đột phá để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Lan Anh