0922 281 189 [email protected]
Thứ bảy, 05/08/2023 07:43 (GMT+7)

Cơ hội và thách thức thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế địa phương

Theo dõi KT&TD trên

Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi và tăng trưởng ở mức 7,0%. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, xu thế kinh tế sắp tới kỳ vọng vào liên kết vùng, phát huy thế mạnh kinh tế tập thể, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, cùng cả nước đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

“Hợp quần gây sức mạnh” - Liên kết vùng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương

Thời gian qua, việc phát triển mô hình liên kết vùng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở các địa phương đang ngày một phát triển, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế. Tuy nhiên, câu chuyện liên kết 4 nhà, liên kết vùng vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 30.425 HTX và 120.983 tổ hợp tác (THT), trong đó có 76.456 THT nông nghiệp, thì việc liên kết vùng sẽ giúp các HTX, THT hoạt động hiệu quả hơn, lợi thế hơn nhờ quy mô.

Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc tìm kiếm những không gian phát triển ở cấp vùng, cụm vùng và tiểu vùng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, nhằm giúp các địa phương và cả nước đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế sắp tới.

Năm 2022, lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; vùng Đồng bằng sông Hồng.

Thực hiện định hướng của Bộ Chính trị, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách giúp thúc đẩy liên kết vùng. Các chủ thể liên quan, bao gồm các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN, HTX, hiệp hội, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, hộ gia đình... đã tham gia tích cực hơn vào các hoạt động liên kết vùng. Cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng bước đầu phát huy được hiệu lực và hiệu quả.

Cơ hội và thách thức thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế địa phương
Phát triển liên kết vùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. (Ảnh minh họa)

Tuy vậy, trên thực tế, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đánh giá, liên kết vùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, kinh tế - xã hội các vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

“Và liên kết vùng dù là câu chuyện đã được nói đến rất nhiều, nhưng thực tế vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức”, ông Thịnh nhận định. Các vùng trên cả nước nói chung đều thiếu các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Liên kết kinh tế vùng cũng chưa được mở đường, dẫn dắt mạnh, trong khi chủ thể liên kết quan trọng là doanh nghiệp, là HTX và các tổ chức về kinh tế chưa phát huy được vai trò của mình. Rõ ràng là trong quá trình thiết lập mô hình hợp tác liên kết, chúng ta lại ít nói về hoạt động này.

Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, chính những hạn chế này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động liên kết vùng. Bên cạnh đó, chưa có nhiều liên kết vùng trong việc hỗ trợ các DN, HTX hình thành cụm liên kết ngành. Đơn cử, các DN và HTX trong lĩnh vực nông sản, một khi có sự liên kết vùng bền vững sẽ hỗ trợ cho họ có thể chủ động về mặt công nghệ trong vấn đề trồng trọt, chăn nuôi và chế biến, hình thành vùng trồng mẫu lớn gắn với xây dựng mã vùng trồng, gắn với xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến, bảo quản công suất lớn, hiện đại có khả năng chế biến sâu.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh, điều mà chúng ta cần làm trong thời gian tới là phải bứt phá khỏi cách làm cũ, nhất là cần sự kết nối hợp lý, phân bổ, thực hiện đồng bộ, phối hợp, bổ trợ, bổ sung cho nhau. Liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới.

Một lợi ích nữa khi thúc đẩy liên kết vùng thực chất hơn là tạo ra sự phát triển cụm ngành, trong đó, nếu giữa các địa phương liên kết lại, sẽ dần dần hình thành được các cụm ngành – vốn là xu hướng sản xuất, đầu tư hiện nay, chứ không phải là một nhà máy, DN hay HTX đơn lẻ.

Cơ hội và thách thức thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế địa phương
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh.

Để các mục tiêu, yêu cầu trên trở thành hiện thực và liên kết vùng là động lực phát huy thế mạnh địa phương, triển vọng cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, cần giải quyết được các thách thức, điểm nghẽn về hợp tác và liên kết vùng ở các địa phương; Cần tạo kênh thông tin thúc đẩy liên kết chính quyền địa phương trong vùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh vùng, huy động đa dạng các nguồn lực đế hỗ trợ các hoạt động, dự án liên kết vùng, tận dụng nội lực và ngoại lực của các địa phương trong vùng, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vùng bền vững; Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của cán bộ, công chức, viên chức liên quan về lợi ích của liên kết vùng…

“Lãnh đạo các địa phương cần thường xuyên trao đổi, đối thoại với các Bộ, ngành, địa phương tham gia điều phối vùng và cộng đồng DN, HTX để nắm bắt nhu cầu, các vấn đề khó khăn, vướng mắc và kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời”, ông Thịnh chia sẻ.

Ngoài ra, liên kết vùng hiệu quả cần xây dựng các cơ sở dữ liệu chung, thông tin điện tử về sản phẩm chủ lực của các tỉnh ở vùng, yêu cầu về quy mô, quy trình, tiêu chuẩn chất lượng hướng đến giá cả, tiêu chuẩn sản phẩm. Một khi có cơ sở dữ liệu chung thì sẽ rất thuận lợi trong việc điều phối chuỗi cung ứng.

Khi bàn về tính liên kết, ông cha ta thường nói “ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”, “hợp quần gây sức mạnh”, “muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Vì vậy, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam tin rằng, nếu có sự liên kết vùng một cách thực chất và hiệu quả hơn thì kinh tế của các địa phương sẽ phát triển lớn mạnh hơn và các DN, HTX cũng phát huy được vai trò, tiềm năng của mình.

“Tôi hy vọng các địa phương sẽ có sự dẫn dắt mạnh hơn trong liên kết vùng, để là điểm tựa cho DN, HTX đi vào guồng máy liên kết, cùng nhau “kéo” sức tăng trưởng kinh tế phục hồi tốt và vươn lên tầm cao mới”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam kỳ vọng.

Thúc đẩy liên kết vùng trước 3 nhóm cơ hội và thách thức

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương(CIEM), trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội và thách thức đối với thúc đẩy liên kết vùng.

Viện trưởng CIEM nêu ra 3 nhóm cơ hội và thách thức chính. Thứ nhất, bối cảnh hội nhập quốc tế đang đặt ra những cơ hội, thách thức mới đối với thúc đẩy liên kết vùng. Phân tích nhóm cơ hội và thách thức này, bà Minh cho biết, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng còn không ít bất định, thậm chí cả các diễn biến khó lường.

Trong khi đó, việc Việt Nam tham gia rất tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế, và việc tham gia liên kết khu vực và quốc tế chắc chắn sẽ kéo theo nhiều hình thức liên kết kinh tế mới, kể cả với các đối tác nước ngoài, qua đó giúp có thêm tăng cơ hội cho các địa phương, DN trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Điều này sẽ có tác động không nhỏ tới hoạt động phối hợp giữa các chính quyền địa phương trong vùng.

“Dưới tác động tiêu cực của hội nhập, cùng với đặc điểm nền kinh tế còn phát triển manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết,… đòi hỏi các vùng ở Việt Nam phải có những điều chỉnh thích ứng, đặc biệt là thay đổi về phương thức sản xuất kinh doanh cũ, sản xuất khép kín sang phương thức sản xuất chuỗi liên kết, tận dụng lợi thế nhờ quy mô kinh tế”, bà Minh chỉ ra.

Viện trưởng CIEM khuyến nghị, các DN, HTX cũng phải tư duy và chuyển đổi mạnh mẽ hơn, theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp ở các địa phương khác trong vùng. Hội nhập cũng buộc từng địa phương và từng vùng ở Việt Nam phải hiểu rõ thế mạnh, tiềm năng, sự khác biệt của từng vùng, phải có sự sắp xếp, phân công lao động hợp lý trong từng vùng.

Cơ hội và thách thức thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế địa phương
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương(CIEM).

Nhóm cơ hội và thách thức thứ hai là thể chế hình thành và thúc đẩy liên kết vùng ở Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện. Cho đến năm 2021, các đánh giá vẫn cho thấy, một thách thức cản trở sự phát triển của các vùng nói chung và liên kết vùng nói riêng chính là thiếu các thể chế đủ mạnh.

Thêm vào đó, bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng đặt ra thêm khó khăn, thách thức cho việc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy liên kết vùng. Về nguồn lực, ngân sách Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại, các nguồn thu ngân sách sụt giảm trong khi nhu cầu chi ngân sách tăng cao.

“Do vậy, nếu thiếu ưu tiên đúng mức cho việc bố trí nguồn lực cho các chương trình, dự án liên kết vùng gắn với các tiêu chí phân bổ và đánh giá cụ thể, khả thi, thì các chương trình, dự án này có thể chậm triển khai, thậm chí không triển khai được như mục tiêu, kế hoạch đề ra”, bà Minh nói.

Cuối cùng, Viện trưởng Viện CIEM chỉ ra, biến đổi khí hậu không còn là dự báo mà đang diễn ra ngày càng sâu rộng và gay gắt, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng ở mỗi vùng là khác nhau. Bối cảnh đó đã đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức và đây là vấn đề lớn, đa ngành nên đòi hỏi Việt Nam cần có cơ chế, cách thức quản trị vùng một cách hiệu quả, phù hợp với đặc thù của từng vùng. Cần lưu ý, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cả vùng, không riêng địa phương nào, do đó đòi hỏi sự chung tay, phối hợp của các chính quyền địa phương.

“Biến đổi khí hậu là thách thức chung, song cũng là áp lực cần thiết để thúc đẩy liên kết vùng mạnh mẽ hơn”, bà Minh nói. Theo đó, tổ chức được các mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn ở cấp vùng sẽ bảo đảm nguồn lực “quay vòng” và “khép kín” hơn ở từng vùng, qua đó giúp bảo đảm nguồn đầu vào hiệu quả cho quá trình sản xuất, và thể hiện tư duy hợp tác cùng phát triển kinh tế và giảm thiểu tác hại đối với môi trường.

Vì vậy, khi tham mưu Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn, CIEM cũng nhấn mạnh tư duy lồng ghép phát triển kinh tế tuần hoàn vào chính sách, dự án liên kết vùng.

Cùng với đó, Viện trưởng CIEM cũng nhìn nhận, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể giúp thúc đẩy liên kết giữa các chủ thể trong nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực với chi phí trao đổi, chi phí vận hành bộ máy tối ưu nhất. Ngược lại, nếu không có cách tiếp cận chung đối với Cách mạng công nghiệp 4.0, các địa phương trong cùng khu vực có thể phải đối mặt với vấn đề liên kết vùng lỏng lẻo hơn. Khi ấy, xử lý những thách thức chung liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ không còn là vấn đề đơn giản.

Hồng Quang

Bạn đang đọc bài viết Cơ hội và thách thức thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá vàng tăng mạnh và động thái của Ngân hàng Nhà nước
Trong bối cảnh giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh và nhu cầu tín dụng gia tăng vào các tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp can thiệp trên thị trường tiền tệ một cách linh động, nhằm giúp ổn định thanh khoản hệ thống.
Đưa nông sản OCOP Hà Giang đến người tiêu dùng Thủ đô
Phiên giao dịch nông sản giữa Hà Giang và Hà Nội diễn ra từ ngày 21-23/11/2024. Sự kiện thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia hợp tác, mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP. Đặc biệt, hơn 2 tấn cam vàng Hà Giang đã được tiêu thụ ngay trong ngày đầu.
Nông sản Việt Nam vươn xa trên sàn thương mại điện tử Trung Quốc
Sự kiện ra mắt gian hàng nông sản Việt Nam trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc không chỉ là dịp để các doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm mà còn là cơ hội để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực chế biến, công nghệ, logistics...

Tin mới

Trà xanh: Bí ẩn từ sắc xanh đến hương vị
Màu xanh của trà xanh không chỉ là dấu ấn đặc trưng mà còn phản ánh chất lượng và giá trị dinh dưỡng. Từ sắc tố diệp lục đến kỹ thuật chế biến, bài viết sẽ khám phá nguyên nhân và yếu tố ảnh hưởng, giúp bạn hiểu rõ hơn về loại trà tuyệt vời này.
Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng thị trường khởi sắc trong năm 2025
Sau giai đoạn khó khăn kéo dài, doanh nghiệp BĐS đang đặt nhiều kỳ vọng vào một chu kỳ hồi phục mới trong năm 2025, những tín hiệu tích cực từ chính Hỗ trợ sách của phủ Chính, sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và nhu cầu gia tăng về nhà ở và văn phòng cho thuê đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp.
Ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất huy động
Từ đầu tháng 11 tới nay đã có 14 ngân hàng tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn, bao gồm Eximbank, BaoViet Bank, HDBank, GPBank, LPBank, Nam A Bank, Indovina, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank và VietBank.
Nhà giá rẻ "mất hút" trên thị trường bất động sản Hà Nội
Báo cáo mới đây của OneHousing cho biết, thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới, tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì)...
Lãi suất tiết kiệm tăng trở lại vào dịp cuối năm
Cuối năm là thời điểm các ngân hàng thường đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn vốn. Năm nay, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm đã quay trở lại sau một thời gian dài lãi suất thấp, mang đến cơ sở hấp dẫn cho những ai đang tìm kiếm kênh đầu tư an toàn.
Trái phiếu xanh: 'Cuộc chơi' đang nóng dần lên
Theo các chuyên gia FiinRatings, thị trường trái phiếu xanh đã sôi động trở lại trong 10 tháng năm 2024. Tuy nhiên, để có thể bắt kịp các thị trường trái phiếu xanh khác trong khu vực, các chuyên gia cho rằng vẫn cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho kênh huy động vốn này.