0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 12/08/2024 14:13 (GMT+7)

Cơ chế CBAM của EU có thể khiến Việt Nam mất 100 triệu USD mỗi năm

Theo dõi KT&TD trên

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU được dự báo sẽ làm giảm bình quân GDP hằng năm của Việt Nam khoảng 100 triệu USD. Điều này báo hiệu những thách thức mà các ngành sản xuất phải đối mặt, đồng thời cần thích nghi, thay đổi.

Cơ chế CBAM của EU có thể khiến Việt Nam mất 100 triệu USD mỗi năm - Ảnh 1
Thép là một trong những ngành chịu ảnh hưởng của Cơ chế CBAM.

Cơ chế CBAM là gì?

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ra đời nhằm giải quyết nỗi lo ngại về biến đổi khí hậu và hiện tượng “rò rỉ carbon”. Liên minh châu Âu (EU) lo ngại các doanh nghiệp có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo, để chuyển lượng khí thải ra ngoài châu Âu và làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng trung hòa khí hậu của EU và toàn cầu.

Để ngăn chặn nguy cơ này, EU quyết định sẽ cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu bằng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Cơ chế này cũng là công cụ giúp EU dẫn dắt vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu và thúc đẩy cạnh tranh công bằng.

Quy định (EU) 2023/956 về Thiết lập CBAM của EU đã chính thức có hiệu lực từ ngày 16/05/2023. CBAM sẽ được triển khai qua hai giai đoạn. Giai đoạn chuyển tiếp từ 2023-2026, các nhà nhập khẩu có nghĩa vụ báo cáo lượng phát thải carbon liên quan đến hàng hóa nhập khẩu như sắt thép, nhôm, điện, xi măng, phân bón và hydrogen. Từ năm 2026, cơ chế này sẽ vận hành toàn diện, áp thuế carbon đối với hàng hóa dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước xuất khẩu.

Về bản chất, CBAM sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

Về cơ chế cụ thể, nhà nhập khẩu hàng vào EU theo Cơ chế CBAM đăng ký với cơ quan quản lý trong nước và mua chứng chỉ CBAM. Giá của chứng chỉ dựa vào giá tín chỉ phát thải hàng tuần của Hệ thống thương mại khí thải của Liên minh châu Âu (EU ETS). Nhà nhập khẩu trong EU kê khai hàm lượng phát thải trong hàng nhập khẩu và giao nộp số lượng tín chỉ tương ứng của mỗi năm. Nếu nhà nhập khẩu chứng minh được giá carbon đã được thanh toán khi sản xuất hàng nhập khẩu, lượng phát thải tương ứng có thể được khấu trừ.

EU phân loại hàng hóa thành 2 loại để tính suất phát thải thực tế gồm: Hàng hóa đơn giản và hàng hóa phức tạp. Hàng hóa phức tạp sẽ tính toán cả lượng phát thải của nguyên liệu đầu vào. Như vậy, các doanh nghiệp phải nhận thức được rằng, phát thải được tính cho hàng hóa không chỉ đơn giản phát sinh trong quá trình sản xuất, mà còn cả từ nguyên liệu, nghĩa là các doanh nghiệp phải báo cáo chi tiết về hàng hóa đầu vào.

Việc đánh thuế này là trụ cột quan trọng trong các chính sách khí hậu của châu Âu và cũng là một trong những cơ chế mà EU khuyến khích các đối tác thương mại khử carbon trong lĩnh vực sản xuất.

“EU là khu vực thương mại đầu tiên trên thế giới đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu. Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này trong hơn 20 năm qua. Đây là một thỏa thuận lịch sử về khí hậu.” - Ông Pascal Canfin, Chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu cho biết.

Trước đó, năm 2005, EU bắt đầu thực hiện đánh thuế về việc xả thải carbon ra môi trường. Theo đó, các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp tại EU bắt buộc phải trả tiền cho mỗi tấn carbon xả thải ra môi trường. Thuế carbon được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để điều chỉnh lượng xả thải carbon hằng năm tuân theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 mà các quốc gia đã ký kết.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 15 của EU và là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu lớn thứ 11 vào EU, chiếm 1.8% tổng giá trị nhập khẩu của EU.

EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU giai đoạn 2012 - 2022 có xu hướng mở rộng quy mô và đối tác, tốc độ tăng trưởng trung bình xuất khẩu đạt 10,5%/năm, nhập khẩu đạt 6,4%/năm. Trong giai đoạn 2020 - 2022, sau khi EVFTA thực thi, xuất khẩu sang EU phục hồi từ mức giảm 1,8% năm 2020 lên mức tăng trưởng 14,2% năm 2021 và 16,8% năm 2022.

Tác động của Cơ chế CBAM tới Việt Nam

Cơ chế CBAM của EU có thể khiến Việt Nam mất 100 triệu USD mỗi năm - Ảnh 2
Sản xuất xi măng là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm gần 80% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng.

Dù hiện tại phần lớn hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam không thuộc các nhóm này nhưng phạm vi có thể sẽ mở rộng và bao gồm nhiều sản phẩm hơn trong tương lai.

Mặc dù nhằm mục đích chống biến đổi khí hậu, CBAM sẽ tạo thêm chi phí đáng kể đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt nếu Cơ chế này được mở rộng sang các lĩnh vực khác trong tương lai.

Hơn nữa, sau khi CBAM được áp dụng, một phản ứng dây chuyền có thể xảy ra khi các thị trường phát triển khác, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Canada và Nhật Bản đưa ra các cơ chế riêng của họ để giảm khí nhà kính (GHG) khi nhập khẩu. Hiện tại, Hoa Kỳ đang xây dưng Đạo luật cạnh tranh Sạch (Clean Competition Act - CCA), bản dự luật lần 1 đã được ban hành vào tháng 7 năm 2021 và dự kiến áp dụng sau năm 2023. CCA bao gồm 25 lĩnh vực, chẳng hạn như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, phân bón, sắt thép, giấy thủy tinh và các lĩnh vực khác. Giá carbon đề xuất là 55 USD/tấn CO2 với mức tăng điều chỉnh mỗi năm. Thuế carbon sẽ áp dụng cho phần chênh lệch giữa lượng phát thải thực tế và lượng phát thải cơ bản của Hoa Kỳ.

Theo bà Nguyễn Hồng Loan – Chuyên gia tư vấn Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM của EU và đề xuất chính sách thuế carbon cho Việt Nam: Khi EU chính thức áp dụng Cơ chế CBAM với Việt Nam vào 2027, doanh nghiệp xuất khẩu các loại hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của EU-CBAM sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, các tác động này là không đáng kể so với quy mô của nền kinh tế Việt Nam do các ngành phải chịu CBAM chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế. Tuy nhiên, về lâu về dài, vẫn cần có những dự báo và điều chỉnh phù hợp.

Theo số liệu của báo cáo Đánh giá tác động của Cơ chế điều chỉnh Biên giới carbon (Cơ chế CBAM) của EU và Khuyến nghị về Chính sách Thuế carbon đối với Việt Nam do UNOPs và Cục biến đổi khí hậu Việt Nam phối hợp thực hiện, trong năm 2019, đóng góp của cả 4 ngành phải chịu CBAM vào GDP của Việt Nam (thép, nhôm, phân bón, xi măng) chỉ chiếm 3,2%. Trong số đó chỉ có khoảng 12,6% tổng sản lượng của các ngành này được xuất khẩu. Lượng hàng hóa chịu CBAM xuất khẩu sang EU cũng chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng phải chịu CBAM của Việt Nam (8% đối với sắt thép, 2% đối với nhôm, gần 0% đối với phân bón và 1% đối với xi măng).

Nếu CBAM chỉ được áp dụng tại thị trường EU, GDP Việt Nam sẽ thiệt hại khoảng 0,1 tỷ USD vào năm 2030 và 0,2 tỷ USD vào năm 2035 (tính theo giá trị vào 2019).

Nếu định giá carbon được thực hiện cùng với EU-CBAM nhưng cường độ phát thải trong tất cả các ngành không thay đổi thì GDP của Việt Nam ước tính năm 2030 sẽ giảm 6,4 tỷ USD (1%) và 11,1 tỷ USD (1,2%) vào năm 2035 (giá trị theo năm 2019). Chỉ số giá nhiên liệu hóa thạch sẽ tăng 5,2% vào năm 2030 và 5,3% vào năm 2035. Số việc làm sẽ giảm 0,5% vào năm 2030 và 0,6% vào năm 2035.

Xuất khẩu ròng sẽ giảm, nhưng do GDP cũng giảm nên tỷ lệ xuất khẩu ròng trên GDP sẽ vẫn ổn định. Doanh thu ước tính từ thuế carbon sẽ đạt 4,4 tỷ USD vào năm 2030 và 6,0 tỷ USD vào năm 2035 (giá trị theo năm 2019).

Mặc dù không trực tiếp khiến lượng phát thải carbon của Việt Nam giảm nhiều, nhưng CBAM vẫn là yếu tố khuyến khích các nhà sản xuất thuộc các ngành phải chịu CBAM giảm cường độ phát thải. Qua đó, họ sẽ được hưởng lợi do được giảm chi phí mua chứng chỉ CBAM.

Trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đẩy mạnh quá trình chuyển dịch năng lượng và phát triển carbon thấp, CBAM có thể là một lý do bổ sung cho việc áp dụng định giá carbon khi nhìn từ góc độ tạo nguồn thu cho chính phủ.

Cơ chế CBAM của EU có thể khiến Việt Nam mất 100 triệu USD mỗi năm - Ảnh 3
Hiện các nhà sản xuất phân bón đã thực hiện nhiều biện pháp giảm đáng kể lượng khí thải carbon trong sản xuất và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.

Khuyến nghị về giải pháp

Để ứng phó với quy định này của EU, theo các chuyên gia, Việt Nam nên lựa chọn giải pháp chấp nhận Cơ chế CBAM và tìm cách giảm thiểu tác động của cơ chế này.

Đối với Việt Nam, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hình thành các ngành sản xuất xanh, sạch và bền vững. Tuy nhiên, nếu nhóm các nước phát triển đi quá nhanh và thiếu những hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho các nước đang phát triển, khoảng cách về trình độ phát triển sẽ ngày càng gia tăng, tạo ra những bất lợi cạnh tranh trong thương mại.

Để ứng phó hiệu quả, cần sự chung tay của Chính phủ, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng. Về phía Nhà nước, việc ban hành những hướng dẫn kịp thời, tăng cường năng lực kỹ thuật, thể chế để thích ứng với các tiêu chuẩn mới là cần thiết. Bên cạnh đó, cần chủ động tham gia đối thoại với EU để có những thỏa thuận có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Cải thiện khung chính sách về khử carbon như loại bỏ dần điện than, thúc đẩy năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và “xanh hóa” các ngành công nghiệp nặng như thép, xi măng là những nỗ lực quan trọng từ phía Chính phủ.

Đối với doanh nghiệp sản xuất trong các ngành có nguy cơ cao như thép, nhôm, lọc dầu, xi măng, giấy, thủy tinh, phân bón, năng lượng... việc xây dựng phương án giảm thiểu phát thải carbon trong sản xuất, lượng hóa và kiểm soát phát thải toàn chuỗi giá trị là yêu cầu cấp thiết khi xuất khẩu sang thị trường EU.

Đối với ngành dệt may, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, đổi mới, đón đầu xu hướng tiêu dùng xanh. Giải pháp được đề xuất là sử dụng nguyên liệu tự nhiên, tái chế, thiết kế sản phẩm theo hướng tuần hoàn, tăng cường sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, giảm nhiên liệu hóa thạch và tiết kiệm năng lượng.

Trong ngành nông nghiệp và lâm nghiệp, cần giám sát chặt chẽ các vùng có nguy cơ rủi ro cao, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng, phân định các vùng theo mức độ rủi ro, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc, phổ biến quy định mới của EU tới các bên liên quan.

Việc EU áp dụng CBAM với các thị trường bên ngoài sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi công nghệ sản xuất, thực hiện các giải pháp giảm phát thải. Chỉ còn gần 2 năm nữa sẽ đến thời hạn EU áp CBAM, do đó đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp “nhanh chân” ứng dụng công nghệ chuyển đổi sớm, giảm lượng phát thải theo cơ chế CBAM giành được thị phần.

Việc các nước phát triển áp dụng các tiêu chuẩn xanh ngày càng khắt khe đang đặt ra nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, để duy trì xuất khẩu – một động lực chính của tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần quyết liệt thực hiện chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Đây là con đường tất yếu để nền kinh tế phát triển bền vững, thoát nguy cơ tụt hậu. Quá trình chuyển đổi đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp Việt Nam vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội trong tình hình mới.

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Cơ chế CBAM của EU có thể khiến Việt Nam mất 100 triệu USD mỗi năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Người dân và du khách Nha Trang hào hứng trải nghiệm buýt điện VinBus
Xe buýt điện VinBus xuất hiện ở thành phố biển Nha Trang đã thu hút hàng ngàn người dân, du khách trải nghiệm. Bên cạnh ưu điểm êm ái, không tiếng ồn, thân thiện với môi trường, những chuyến xe xanh còn nhận được nhiều phản hồi tích cực về dịch vụ và các tính năng công nghệ nổi bật.
Nhà khoa học VinFuture: “AI thông minh hơn là an toàn hơn”
Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng thông minh, thậm chí vượt xa con người, nhưng sẽ không có chuyện AI kiểm soát con người. Đó là khẳng định của GS. Yann LeCun, Đại học New York, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta, một trong những người tiên phong đặt nền phóng cho sự phát triển của AI.

Tin mới

Trà xanh: Bí ẩn từ sắc xanh đến hương vị
Màu xanh của trà xanh không chỉ là dấu ấn đặc trưng mà còn phản ánh chất lượng và giá trị dinh dưỡng. Từ sắc tố diệp lục đến kỹ thuật chế biến, bài viết sẽ khám phá nguyên nhân và yếu tố ảnh hưởng, giúp bạn hiểu rõ hơn về loại trà tuyệt vời này.
Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng thị trường khởi sắc trong năm 2025
Sau giai đoạn khó khăn kéo dài, doanh nghiệp BĐS đang đặt nhiều kỳ vọng vào một chu kỳ hồi phục mới trong năm 2025, những tín hiệu tích cực từ chính Hỗ trợ sách của phủ Chính, sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và nhu cầu gia tăng về nhà ở và văn phòng cho thuê đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp.
Ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất huy động
Từ đầu tháng 11 tới nay đã có 14 ngân hàng tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn, bao gồm Eximbank, BaoViet Bank, HDBank, GPBank, LPBank, Nam A Bank, Indovina, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank và VietBank.
Nhà giá rẻ "mất hút" trên thị trường bất động sản Hà Nội
Báo cáo mới đây của OneHousing cho biết, thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới, tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì)...
Lãi suất tiết kiệm tăng trở lại vào dịp cuối năm
Cuối năm là thời điểm các ngân hàng thường đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn vốn. Năm nay, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm đã quay trở lại sau một thời gian dài lãi suất thấp, mang đến cơ sở hấp dẫn cho những ai đang tìm kiếm kênh đầu tư an toàn.
Trái phiếu xanh: 'Cuộc chơi' đang nóng dần lên
Theo các chuyên gia FiinRatings, thị trường trái phiếu xanh đã sôi động trở lại trong 10 tháng năm 2024. Tuy nhiên, để có thể bắt kịp các thị trường trái phiếu xanh khác trong khu vực, các chuyên gia cho rằng vẫn cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho kênh huy động vốn này.