Chung cư mini sẽ được quản lý chặt chẽ hơn
Mới đây nhất, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết trong thời gian tới sẽ triển khai nhiều giải pháp liên quan đến những tồn tại về phòng cháy chữa cháy tại các “chung cư mini”.
Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng sẽ tập trung yêu cầu triển khai 4 nhóm giải pháp chính gồm.
Thứ nhất , các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh và xử lý nghiêm các cấp đã để xảy ra sai phạm trong việc đầu tư xây dựng cũng như hoạt động của các loại hình này.
Thứ hai , các địa phương cần đôn đốc, chỉ đạo các chủ nhà khẩn trương có những giải pháp đầu tư, cải tạo khu vực để xe, khu vực dễ phát sinh cháy nổ, bố trí lối thoát cho cư dân sống trong các chung cư này một cách thuận lợi nhất; cải tạo thêm các cầu thang, lối thoát hiểm an toàn, phù hợp.
Thứ ba , Bộ Xây dựng sẽ tập trung chỉ đạo, đầu tư các trang thiết bị về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra cũng cần phải rà soát lại toàn bộ hệ thống điện trong các tòa nhà, bảo đảm không bị cháy chập, cung cấp đủ công suất; mua sắm thêm các công cụ phòng chống cháy, có những công cụ như mặt nạ phòng độc để giúp người dân bảo đảm an toàn khi xảy ra cháy.
Thứ tư , các đơn vị chức năng, địa phương cần tăng cường tập huấn đối với các hộ dân sống trong các tòa nhà chung cư mini, để các hộ dân có những ứng phó kịp thời nếu chẳng may ở đó xảy ra cháy nổ.
Liên quan đến quản lý, vận hành các “chung cư mini”, cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, các đơn vị chức năng, địa phương cũng cần quan tâm về việc phải bố trí người bảo vệ đủ sức khỏe, có kiến thức, có kỹ năng, có kinh nghiệm để xử lý cháy nổ. Đồng thời cũng phải có nội quy để hướng dẫn người dân để biết cách quản lý, vận hành khi sống trong chung cư này một cách thống nhất.
Theo thống kê, hiện TP.HCM có khoảng 4,7 triệu lao động làm việc, còn Hà Nội khoảng 4 triệu người. Riêng TP.HCM mỗi năm tăng khoảng 200.000 người. Như vậy, chỉ sau 5 năm, TP.HCM đã có thêm 1 triệu người. Dân số TP.HCM hiện khoảng 13 triệu người nên nhu cầu về nhà ở rất lớn. Trong khi đó, những năm gần đây giá bất động sản liên tục tăng cao, vượt quá khả năng mua nhà của đại đa số người dân. Do vậy, tại các TP lớn như TP.HCM hay Hà Nội, với số lượng lớn lao động thu nhập thấp và sinh viên, người mới ra trường, các cặp vợ chồng trẻ thì nhà trọ, chung cư mini là lựa chọn bắt buộc để có chỗ ở.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM, khẳng định: Chung cư mini thực tế là nhà trọ cao cấp cho giới văn phòng, sinh viên mới ra trường vì họ không thuê nổi căn hộ chung cư thông thường nhưng không muốn sống trong các khu nhà trọ thấp cấp. Nếu không có chung cư mini này, giới văn phòng, sinh viên mới ra trường sẽ không có chỗ ở. Nếu nhà nước làm được nhiều nhà ở xã hội cho thuê tốt thì chung cư mini sẽ không còn đất sống. Nhìn ở góc độ tích cực, khi đầu tư chung cư mini người dân đang chia sẻ cùng nhà nước để đáp ứng nhu cầu của người dân nhập cư.
"Nhà nước cần hướng dẫn người dân, những người có chung cư mini phải làm thêm lối thoát hiểm, phòng cháy chữa cháy (PCCC) để đảm bảo an toàn. Kiểm tra để hướng dẫn chứ không thể bắt chẹt người dân. Vì nếu không có chung cư mini thì người dân ở đâu khi họ không có khả năng mua nhà hoặc thuê căn hộ chung cư. Nhìn thẳng, nhìn thật vào nhu cầu của người dân để có cách ứng xử cho phù hợp. Không thể vì một chung cư mini bị cháy mà cơ quan đi kiểm tra rồi cấm toàn bộ như cách cấm karaoke trước đây".
Ở góc độ quy hoạch, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng chung cư mini chủ yếu xuất hiện ở khu dân cư hiện hữu nên phải có giải pháp quản lý. Đối với các khu đô thị mới thì không khuyến khích phát triển căn hộ diện tích nhỏ vì có thể làm quá tải hạ tầng công cộng đi kèm. Vì vậy cần phải có quy định cụ thể như khống chế tỷ lệ căn hộ diện tích nhỏ như nhiều quốc gia đã thực hiện ở mức 10% trên tổng số căn hộ của 1 dự án. Số lượng căn hộ nhỏ nằm trong một dự án phải được cấp phép ngay từ đầu để đi kèm với nó là cơ sở hạ tầng gồm công viên, trường học, bệnh viện… trong cùng khu vực để đảm bảo đời sống của người dân.
Riêng đối với chung cư mini nằm trong khu đô thị hiện hữu thì quản lý chặt và sẽ tùy địa phương để xem xét khi cấp phép chuyển đổi nhà ở riêng biệt thành chung cư mini. Theo đó cũng phải xét đến cơ sở hạ tầng, môi trường trong khu vực khi số người ở tăng lên. Có thể áp dụng thu phí tác động môi trường khi cấp phép chuyển đổi xây dựng chung cư mini. Ví dụ khu vực này chỉ có trường học đáp ứng cho 100 học sinh, nếu có nhiều căn hộ diện tích nhỏ xây dựng thì sẽ gia tăng số người ở và có thể lên đến 200 em bé đến tuổi đi học. Khi đó chính quyền phải có nguồn thu để xây dựng thêm trường học, cơ sở y tế… và các hạ tầng chung để đảm bảo đời sống người dân. Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển, xây dựng nhà ở hợp túi tiền với người dân.
Tiến Hoàng