Chủ tịch Tân Hoàng Minh:Chưa bao giờ nghĩ chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, vi phạm do thiếu hiểu biết
Thừa nhận trách nhiệm của người điều hành cao nhất tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông Dũng nói tôn trọng các cáo buộc sai phạm của cáo trạng và kết luận điều tra.
Tuy nhiên, ông khẳng định "ngay từ khi phát hành trái phiếu, chưa bao giờ có ý nghĩ chiếm đoạt tiền của người mua trái phiếu". Ông chỉ ý thức rằng đây là việc huy động tiền để phục vụ kinh doanh, đầu tư.
Chưa bao giờ nghĩ chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư
Chiều 19/3, sau gần nửa buổi cách ly, bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) được cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải lên bục khai báo.
Theo cáo buộc, tháng 6/2021, Tân Hoàng Minh có vay nợ lớn, các dự án chưa thể triển khai và thêm ảnh hưởng của COVID-19 nên "khó khăn về tài chính", bị cáo Đỗ Anh Dũng chỉ đạo cấp dưới tại Tân Hoàng Minh triển khai phát hành các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm huy động vốn.
Để phát hành được trái phiếu, ngoài việc các bị cáo đã thông đồng thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật, ký các hợp đồng "giả cách" chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền "khống", để chuyển 9 lô trái phiếu của 3 công ty Cung Điện Mùa Đông, Soleil và Ngôi Sao Việt (công ty con của Tân Hoàng Minh) sang Tập đoàn Tân Hoàng Minh để tạo giá trị "ảo" các gói trái phiếu.
Từ đó, tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Tập đoàn Hoàng Minh đã huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư tổng số hơn 8.643 tỉ đồng.
Cơ quan tố tụng còn xác định các bị cáo đã sử dụng tài sản của chính những hợp đồng hợp tác đầu tư "khống" làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu.
Trả lời xét hỏi, bị cáo Dũng thừa nhận cá nhân ông là người đề ra chủ trương phát hành trái phiếu.
Trong hơn 15 phút trình bày, ông cho hay từ năm 2021, các dự án của Công ty Tân Hoàng Minh ngày càng mở rộng và cần nhiều tiền, trong khi vay mượn tài chính gặp khó khăn. “Với kinh nghiệm 30 năm điều hành doanh nghiệp, tôi nghĩ việc phát hành trái phiếu là kênh huy động vốn hiệu quả nên đã thực hiện”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của công ty, ông chỉ đề ra chủ trương, còn chi tiết phát hành thế nào đều do con trai cùng cấp dưới thực hiện.
Quá trình phát hành trái phiếu, ông Đỗ Anh Dũng thừa nhận biết thuộc cấp chạy dòng tiền "ảo" để mua lại các gói trái phiếu.
“Sai phạm trong vụ án này có trách nhiệm của bị cáo không?”, Chủ tọa hỏi. Ông Đỗ Anh Dũng khẳng định với vai trò là Chủ tịch, Tổng giám đốc, người có quyền quyết định mọi hoạt động của công ty, ông Dũng xin nhận trách nhiệm.
Tại toà, bị cáo thừa nhận trách nhiệm của người điều hành cao nhất tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đồng thời trọng các cáo buộc sai phạm của cáo trạng và kết luận điều tra. Tuy vậy, bị cáo nói: "Ngay từ khi phát hành trái phiếu, chưa bao giờ có ý nghĩ chiếm đoạt tiền của người mua trái phiếu. Bị cáo chỉ ý thức rằng đây là việc huy động tiền để phục vụ kinh doanh, đầu tư".
Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh khai thời điểm đó nhận thức về phát hành trái phiếu chưa đầy đủ. Đến khi bị khởi tố, bắt tạm giam và được cán bộ điều tra giải thích về sai phạm của bản thân, bị cáo đã viết đơn đề nghị cơ quan tố tụng tạo điều kiện cho mình khắc phục hậu quả tối đa.
Đã nộp đủ số tiền khắc phục hậu quả và có "nộp thừa một chút"
Ông Đỗ Anh Dũng khai thêm, ngay khi bị khởi tố, bắt tạm giam và được cán bộ điều tra giải thích về sai phạm của bản thân, ông đã viết đơn đề nghị cơ quan tố tụng tạo điều kiện cho mình khắc phục hậu quả tối đa.
Chỉ trong hơn 1 năm, dù điều kiện rất khó khăn, thông qua 2 lần gặp gia đình, bị cáo đã nộp để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, với số tiền hơn 8.600 tỉ đồng.
"Số tiền này có đủ trả cho các bị hại?", chủ tọa hỏi. Ông Dũng khẳng định là đủ, thậm chí còn nộp thừa khoảng 1 tỉ đồng.
Trước đó, bị cáo Đỗ Hoàng Việt, 30 tuổi, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, con trai chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh, là người đầu tiên bị TAND Hà Nội xét hỏi. Việt bị bắt cùng ngày với cha, Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng, song được tại ngoại từ tháng 9/2023. Ông Dũng bị cách ly trong lúc HĐXX thẩm vấn Việt và 13 bị cáo còn lại.
Việt khai sai phạm xảy ra trong bối cảnh tình hình tài chính Tân Hoàng Minh gặp nhiều vấn đề: ảnh hưởng của Covid-19, ngân hàng siết tín dụng, có khoản nợ lớn. Tân Hoàng Minh cần hơn 20.000 tỷ đồng để trả nợ.
Theo chỉ đạo của ông Dũng, các phòng ban đề xuất cách tháo gỡ, trong đó Việt đưa ra phương án phát hành trái phiếu. Trong cuộc họp riêng với Việt và Phó giám đốc Trung tâm Tài chính kế toán kiêm kế toán trưởng Phùng Thế Tính, ông Dũng thống nhất chủ trương này.
Việt cùng các "anh em khác" lên phương án cụ thể, sau đó báo cáo Chủ tịch Dũng. Theo kế hoạch, họ sẽ dùng các công ty thuộc "hệ sinh thái" Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu rồi mua đi bán lại, sử dụng "thương hiệu" Tân Hoàng Minh để bán cho người dân. Để các công ty được đủ điều kiện phát hành trái phiếu, họ phải chỉnh sửa báo cáo tài chính, số liệu nợ...
VKS cáo buộc để các nhà đầu tư tin tưởng việc huy động vốn cho các dự án là có thật, Việt cùng cấp dưới lập hợp đồng hợp tác với một số công ty cũng thuộc Tân Hoàng Minh.
Bị cáo Đỗ Hoàng Việt cho biết, 3 công ty Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông ngụy tạo các hoạt động kinh doanh không có thật giữa nội bộ các công ty để làm phương án phát hành các gói trái phiếu lẻ, với tổng giá trị phát hành 10.030 tỷ đồng nhằm huy động tiền cho tập đoàn.
Bản thân bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới lựa chọn công ty phát hành trái phiếu, liên hệ với công ty kiểm toán để kiểm toán tài chính.
Ngoài ra, bị cáo còn chỉ đạo ký hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống” cho Công ty Tân Hoàng Minh trở thành trái chủ sơ cấp để bán trái phiếu, huy động, chiếm đoạt tiền của người mua thứ cấp.
Tại tòa, Việt thừa nhận các gói trái phiếu Tân Hoàng Minh bán ra cho nhà đầu tư cũng chưa đủ về mặt pháp lý, không đảm bảo giá trị. Quá trình bán ra, thu vào trái phiếu, bị cáo có báo cáo Chủ tịch. Lúc đó, bị cáo nghĩ ông Đỗ Anh Dũng chưa biết đó là hành vi khống.
Lãnh đạo Công ty kiểm toán khai báo quanh co?
Tại phiên tòa chiều nay, khi trả lời xét hỏi, các bị cáo: Bùi Thị Ngọc Lân (nguyên Giám đốc Công ty kiểm toán Nam Việt Chi nhánh phía Bắc); Phan Anh Hùng (nguyên Phó Giám đốc Công ty CPA Hà Nội Chi nhánh Sài Gòn); Nguyễn Thị Hải (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty CPA Hà Nội) đều thừa nhận có bàn bạc, thống nhất với nhóm nhân viên của Tân Hoàng Minh "hợp thức" số liệu báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành trái phiếu.
Riêng bị cáo Lê Văn Dò (Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán và Kế toán Hà Nội) ban đầu khai báo quanh co khiến chủ tọa nhiều lần nhắc nhở. Tuy nhiên, ở cuối phần trả lời, ông Dò thừa nhận có phân công anh em làm mà không kiểm soát.
“Hành vi của bị cáo rất thiếu trách nhiệm, sai phạm này dẫn đến hậu quả lớn, bị cáo thật sự ân hận”, ông Dò nói.
Hồng Quang