Chủ động nhập khẩu xăng, dầu đảm bảo nguồn cung cho thị trường
Bộ Công Thương đề nghị Petrolimex phải quyết liệt trong việc chỉ đạo hệ thống kinh doanh, đảm bảo không để đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống.
Chủ động nhập khẩu xăng, dầu đảm bảo nguồn cung cho thị trường, kể cả sản lượng được phân giao/bổ sung và sản lượng theo nhu cầu thị trường, nhất là thời điểm Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong kỳ bảo dưỡng.
Theo Bộ Công Thương, cả nước đã nhập khẩu 922 nghìn tấn xăng dầu các loại trong tháng 7 vừa qua, giảm 11,8% so với tháng trước; tổng kim ngạch đạt 725 triệu USD.
Tính chung trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 6,13 triệu tấn xăng dầu các loại, với tổng kim ngạch 4,88 tỷ USD, tăng 12,7% về lượng, nhưng giảm 14,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, hai mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là dầu diesel và xăng.
Thống kê từ cơ quan hải quan cho thấy, tỷ lệ dầu diezel nhập khẩu chiếm 55% tổng lượng xăng dầu đã nhập, đạt 3,35 triệu tấn, tăng 6,2%; xăng nhập về đạt 1,28 triệu tấn, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 21% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước.
Việt Nam nhập khẩu 90,8% xăng dầu các loại chủ yếu ở các thị trường châu Á như: Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan…
Trong đó, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn nhất với 2,46 triệu tấn, tăng 13,5%; Tiếp theo là Singapore đạt 1,55 triệu tấn, tăng 105,6% và Malaysia đạt 1,03 triệu tấn, tăng 26,7%. Trong khi đó nhập khẩu từ Thái Lan chỉ là 528 nghìn tấn, giảm 25%.
Tại cuộc họp với các tập đoàn, tổng công ty về tình cung cấp năng lượng cho nền kinh tế diễn ra chiều ngày hôm qua (22/8), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Petrolimex phải quyết liệt chỉ đạo hệ thống kinh doanh của tập đoàn, đảm bảo không để đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống;
Chủ động nhập khẩu xăng, dầu đảm bảo nguồn cung cho thị trường, kể cả sản lượng được phân giao/bổ sung và sản lượng theo nhu cầu thị trường, nhất là thời điểm Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong kỳ bảo dưỡng. Cùng với đó, chú trọng cập nhật, đề xuất Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương những vấn đề mới phát sinh cần giải quyết tháo gỡ, đặc biệt là những chi phí thực tế phát sinh trong cơ cấu giá cơ sở định mức kinh doanh xăng dầu...
Ngày 25/7, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đã phát đi thông báo về việc sẽ tiến hành triển khai bảo dưỡng tổng thể Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn lần thứ nhất (tính từ thời điểm chính thức vận hành thương mại) vào ngày 25/8/2023, thời gian dự kiến kéo dài 55 ngày. Hoạt động bảo dưỡng tổng thể lần thứ nhất sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các thông lệ sản xuất tốt nhất, với nỗ lực bảo đảm tính an toàn và bền vững trong quy trình sản xuất của nhà máy, cũng như bảo đảm sản lượng ổn định của NSRP trong mục tiêu dài hạn.
Đây là kế hoạch bảo dưỡng đã được NSRP báo cáo với Bộ Công Thương từ cuối năm 2022 để Bộ có phương án phân giao nguồn cung.
Thanh Phong