Chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm
Cận Tết Nguyên đán là thời điểm tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại hoạt động phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Do đó, cần kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm, ổn định thị trường hàng hóa, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng đón Tết an toàn.
Cuối năm, hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường
Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tiêu thụ, hàng giả, hàng nhái trên thị trường thường tăng cao đột biến, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, làm suy giảm niềm tin người tiêu dùng và làm thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước.
Theo số liệu từ Tổng Cục Quản lý thị trường, số lượng hàng giả, hàng nhái trong năm 2021 bị lực lượng Quản lý thị trường thu giữ là 4.044 vụ, với giá trị 110 tỉ đồng, trong đó lực lượng chức năng xử phạt trên 44 tỉ đồng. Trong khi đó, theo báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại quý 3 của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) cho thấy, tính đến hết quý 3/2022, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 99.975 vụ vi phạm, trong đó có 12.275 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu; 82.678 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 1.866 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; nộp ngân sách Nhà nước 7.666 tỉ đồng (tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021)…
Những con số trên cho thấy, vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái ngày càng trở nên phức tạp, tinh vi; nhiều đối tượng đã lợi dụng nền tảng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại đang có dấu hiệu gia tăng vào dịp cuối năm đã trở thành một thách thức đối với các cơ quan quản lý.
Cần tăng cường vào cuộc, chống hàng giả, hàng nhái
Cùng với xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội, những năm gần đây Việt Nam đã trở thành điểm đến, là thị trường hấp dẫn cho các loại thương hiệu, sản phẩm và hàng hóa trong và ngoài nước. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản như tình hình sản xuất ngày càng phát triển, hàng hóa đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; Việt Nam phải đối diện với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra hết sức phức tạp cả về quy mô lẫn tính chất, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước, thiệt hại cho doanh nghiệp, gây thất thu ngân sách Nhà nước, đặc biệt là làm mất niềm tin người tiêu dùng.
Một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để tránh mua nhầm hàng giả, hàng nhái là lựa chọn các cửa hàng chính hãng hoặc đại lý phân phối chính thức của hãng. Khi mua hàng chính hãng, người dùng không chỉ yên tâm về chất lượng sản phẩm mà còn được hưởng chính sách bảo hành cùng nhiều quyền lợi ưu đãi từ nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, tăng cường các giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử phạt các đơn vị vi phạm trong vấn đề hàng nhái, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại. Đặc biệt, tập trung hỗ trợ người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước ma trận hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, ngoài những nỗ lực của lực lượng chức năng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động chống hàng giả. Người tiêu dùng tự giác hơn trong việc nâng cao nhận thức, chủ động tìm hiểu thông tin hàng hóa qua nhiều kênh.