Cập nhật căn cước để giao dịch chứng khoán online
Giao dịch chứng khoán trực tuyến đang ngày càng trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Việt Nam, nhờ vào sự tiện lợi và linh hoạt mà nó mang lại. Tuy nhiên, để duy trì tính bảo mật và đảm bảo tuân thủ pháp lý, việc cập nhật căn cước công dân (CCCD) đang trở thành một yêu cầu bắt buộc.
Điều này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư mà còn đảm bảo sự minh bạch và an toàn trong các giao dịch tài chính trực tuyến.
Cụ thể, từ ngày 1/10, để đảm bảo nguyên tắc giao dịch điện tử, các trường hợp không cập nhật CCCD trên tài khoản sẽ phải đến trực tiếp tại công ty chứng khoán để thực hiện giao dịch.
Theo đó, để đảm bảo nguyên tắc giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán, các trường hợp không cập nhật chuẩn hóa thông tin sẽ phải đến giao dịch chứng khoán trực tiếp tại Trụ sở/Chi nhánh/Phòng giao dịch của công ty chứng khoán (không được giao dịch trực tuyến) và thực hiện chuẩn hóa thông tin dữ liệu khi Nhà đầu tư giao dịch trực tiếp tại quầy.
Vì vậy, để tránh gián đoạn trong quá trình giao dịch, các công ty chứng khoán như Công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán SSI, CTCP Chứng khoán TP. HCM, CTCP Chứng khoán Vietcap, CTCK Chứng khoán FPT… đề nghị khách hàng cập nhật thông tin Căn cước công dân/Căn cước (bản mới nhất, có gắn chip). Đa phần các công ty chứng khoán có hai hình thức giúp khách hàng cập nhật thông tin đó là trực tuyến và tại quầy giao dịch của công ty chứng khoán.
"Theo Công văn số 4501/UBCK-CNTT của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 19/07/2024 về việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu nhà đầu tư, kể từ ngày 01/10/2024, để đảm bảo nguyên tắc giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán, các trường hợp không cập nhật chuẩn hóa thông tin sẽ phải đến giao dịch chứng khoán trực tiếp tại Trụ sở/Chi nhánh/Phòng giao dịch của công ty chứng khoán (không được giao dịch trực tuyến) và thực hiện chuẩn hóa thông tin dữ liệu khi Nhà đầu tư giao dịch trực tiếp tại quầy", thông báo của FPTS nêu.
Nếu cập nhật online, FPTS yêu cầu nhà đầu tư gửi ảnh chụp hai mặt của căn cước công dân mới với yêu cầu ảnh nét, rõ mặt và số và CMND cũ hoặc thông tin mã QR trên căn cước công dân mới qua email để hoàn tất thủ tục thay đổi thông tin cá nhân.
Các công ty chứng khoán khuyến cáo kể từ ngày 1/10/2024, trong trường hợp khách hàng chưa thực hiện cập nhật thông tin để chuẩn hoá dữ liệu, các đơn vị này sẽ buộc phải dừng cung cấp các dịch vụ giao dịch trực tuyến trên tài khoản giao dịch chứng khoán của khách hàng theo yêu cầu của UBCKNN. Các trường hợp này sẽ phải đến giao dịch chứng khoán trực tiếp tại quầy giao dịch của công ty chứng khoán và thực hiện chuẩn hóa thông tin dữ liệu.
Theo các công ty chứng khoán, nhà đầu tư có thể cập nhật thông tin CCCD trên ứng dụng, hoặc gửi thông tin qua mail, bưu điện.
Giao dịch trực tuyến hiện là phương thức giao dịch chính và phổ biến nhất trên thị trường chứng khoán. Thông qua các ứng dụng trên thiết bị di động (mobile) hoặc nền tảng trực tuyến, nhà đầu tư có thể đặt lệnh, quản lý tài khoản, nạp/rút tiền ở bất kỳ đâu, chỉ cần có mạng Internet.
Khác với xác thực sinh trắc học của ngân hàng, việc cập nhật khi giao dịch chứng khoán nhằm đồng bộ, khớp thông tin cá nhân giữa tài khoản và trên CCCD.
Các bước bảo mật trong giao dịch chứng khoán online vẫn chủ yếu sử dụng qua ứng dụng Smart OTP (one-time password) hoặc OTP qua tin nhắn, email khách hàng đã đăng ký với công ty chứng khoán. Hình thức này là một dạng xác thực hai yếu tố (2FA) được sử dụng để bảo mật các tài khoản và giao dịch trực tuyến.
Trong đó, một yếu tố là mật khẩu đăng nhập, còn lại là mã OTP từ thiết bị của người dùng. Smart OTP là một phần mềm được cài đặt trên thiết bị di động, người dùng có thể chủ động lấy mã xác thực mà không cần đợi tin nhắn. Mã OTP này chỉ sử dụng một lần và hết hạn sau một khoảng thời gian ngắn.
Theo số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 7-2024, tổng số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đạt hơn 8,33 triệu tài khoản, cao nhất từ trước đến nay.
Trong đó, nhà đầu tư cá nhân có hơn 8,11 triệu tài khoản, tương đương khoảng 8% dân số. Việt Nam đặt mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Tiến Hoàng