Cao su Phước Hòa (PHR): Mảng sản xuất cao su truyền thống có thể bắt đầu hồi phục
Theo DSC, CTCP Cao su Phước Hòa (PHR - sàn HOSE) là thành viên của Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR), CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) là một trong những doanh nghiệp sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu Việt Nam.
Tuy nhiên, để bắt kịp xu hướng chuyển mình trở thành một công xưởng và trung tâm logistic của nước ta, PHR đang tích cực chuyển đổi quỹ đất của mình sang đất khu công nghiệp với biên lợi nhuận gộp mảng này vượt trội lên tới 60-70%.
Trong báo cáo phân tích mới được cập nhật đối với CTCP Cao su Phước Hòa (PHR), Chứng khoán DSC cho biết, hiện tại, cổ phiếu PHR đang giao dịch với mức P/E là 6,98 lần, thấp hơn trung bình 5 năm (11,1 lần), khá hấp dẫn so với trung bình ngành (12,6 lần). Ở mức này có thể nói P/E đang khá hấp dẫn khi ở trong vùng 6-8 lần (vùng thấp nhất trong nhiều năm) mặc dù thực chất chủ yếu do lợi nhuận cao vì khoản thu khác.
PHR đã duy trì trả cổ tức bằng tiền từ 2010 đến nay với tỉ lệ cao trong khoảng 10-60%. Năm 2022, công ty dự kiến tiếp tục trả cổ tức cho 2021 bằng tiền với tỷ lệ 50%, khá cao so với thị trường, tuy nhiên lợi suất chưa cao bằng gửi ngân hàng ở thời điểm hiện tại.
DSC dự phóng kết quả kinh doanh 2023 của PHR chưa có sự đột phá so với 2022 bởi (1) Mảng cao su có sự tăng trưởng nhẹ trong khi (2) Mảng Khu công nghiệp chỉ còn phụ thuộc vào 20% sở hữu tại VSIP III. Doanh thu dự kiến đạt khoảng 1.965 tỷ đồng (tăng 15% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế 750 tỷ đồng (giảm 19%). Sử dụng phương pháp P/E và RNAV, chúng tôi xác định được giá mục tiêu 52.700 đồng/cổ phiếu, upside 16% so với giá đóng cửa ngày 31/1/2023.
Thống kê báo cáo phân tích gần nhất của các CTCK về mức giá mục tiêu 12 tháng tới của cổ phiếu PHR, giá mục tiêu bình quân là 54.700 đồng/CP, upside 20% so với giá đóng cửa ngày 31/1/2023. Đồng thời, khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PHR.
Như Nguyệt