Cao Bằng: Hồi sinh thương hiệu đệ nhất chè Đoỏng Pán
Chè Đoỏng Pán tại xã Độc Lập, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) được xem như món quà thiên nhiên ưu đãi dành cho mảnh đất này.
Với điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu, cùng với hội tụ đủ thanh, sắc, vị, thần khi đánh giá chè ngon, “chè hoang” nơi đây được những người sành uống trong vùng đặt cho cái tên “đệ nhất chè Đoỏng Pán”.
“Thủ phủ” chè Đoỏng Pán là tại thôn Đoỏng Pán 1, Đoỏng Pán 2 và Đoỏng Pán 3 thuộc xã Độc Lập, huyện Quảng Hòa, nơi đây hầu hết là giống chè mọc tự nhiên trên rừng, từ những năm 1960, người dân các thôn mới đem về trồng ở vườn đồi quanh nhà.
Đặc biệt, vùng chè Đoỏng Pán nói không với phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản và hoàn toàn được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống. Người dân chỉ tỉa bớt cành khi hết vụ và cào sạch cỏ quanh gốc. Các khâu để tạo ra chè thành phẩm từ hái, vò, sao khô đều được thực hiện bằng tay, đây là một trong những công đoạn quan trọng giúp sản phẩm “chạm tay” được đến danh hiệu “đệ nhất chè”.
Để “xứng tầm” với danh hiệu đó, chè Đoỏng Pán phải đạt đủ cả thanh, sắc, vị, thần. Nước chè khi pha sẽ cho ra màu vàng nhạt (thanh); ngọn chè khi khô sẽ cong như hình móc câu, nhìn thẳng ra màu đen, nhìn nghiêng lại mang sắc xanh đặc biệt (sắc); vị chè đậm đà, vừa uống sẽ thấy vị chát êm, sau đó hậu ngọt đọng lại nơi cuống họng (vị); sau cùng là mùi thơm đặc trưng của chè sao thủ công bằng củi, đem lại cảm giác khoan khoái, dễ chịu cho người thưởng trà (thần).
Mỗi năm, người dân sẽ thu hoạch 2 vụ chè chính là vụ xuân và vụ đông, vụ xuân bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6, vụ đông bắt đầu từ tháng 9 dương lịch đến hết năm. Khi vào vụ, cứ cách 10 - 15 ngày sẽ thu hái một lần.
Tại vùng chè, người dân sẽ không sao chè khi chè ướt sương hoặc dính nước mưa mà sẽ trải ra chiếu hoặc tấm bạt nhỏ để khô rồi mới đem đi sao, cẩn thận từng khâu để đảm bảo chè đạt chất lượng cao nhất. Nắm bắt được xu hướng ưa chuộng sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc,... chè tự nhiên Đoỏng Pán ngày càng được chính quyền và người dân địa phương chú trọng phát triển.
Hiện nay, trên địa bàn xã Độc Lập có 130 hộ với diện tích 18 ha trồng chè Đoỏng Pán, không chỉ giúp phủ xanh đất rừng mà cây chè nơi đây còn giúp người dân ổn định kinh tế. Trung bình 1 hộ gia đình mỗi vụ sẽ sản xuất được 50 - 60kg chè khô, giá tiền giao động từ 400.000 - 600.000 đồng/1kg.
Sản phẩm chè Đoỏng Pán “hãnh diện” khi đã được cấp chứng nhận và truy xuất nguồn gốc, đây còn là một trong những sản phẩm được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh lựa chọn trong chuyến đi tiếp xúc thị trường tại Hà Nội. Ngay trong lần đầu giới thiệu, sản phẩm đã được một số cửa hàng, siêu thị vừa và nhỏ tại Hà Nội đặt hàng để tiêu thụ.
Ngoài ra, tại địa phương đã có hợp tác xã (HTX) chè Đoỏng Pán, sản phẩm của HTX đã được xem xét đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021.
Ông Hoàng Văn Thi - Chủ tịch UBND xã Độc Lập cho biết, để giúp nâng cao chất lượng của chè Đoỏng Pán, đặc biệt đưa loại “chè hoang” này đến gần hơn với người tiêu dùng, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện đẩy mạnh việc nhân giống cây chè địa phương, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, sao chè,... theo khoa học kỹ thuật; chỉ đạo HTX chè Đoỏng Pán đóng gói có nhãn mác sản phẩm, đúng thương hiệu sản phẩm OCOP, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia trồng, bao tiêu sản phẩm...
Phấn đấu đến năm 2025, xã Độc Lập nói riêng và huyện Quảng Hòa nói chung sẽ có khoảng 80 ha chè đạt năng suất, chất lượng cao; phấn đấu xây dựng và phát triển mạnh hơn nữa thương hiệu chè Đoỏng Pán, để sản phẩm không chỉ đứng vững trên thị trường trong nước mà hướng tới xuất khẩu trong thời gian không xa.
Khánh Linh - Đức Lâm/ VP Tây Bắc