0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ tư, 21/02/2024 15:58 (GMT+7)

Cảnh giác với chiêu trò ‘vẽ’ công dụng mỹ phẩm điều trị da

Theo dõi KT&TD trên

Năm bắt nhu cầu làm mờ vết thâm, nám, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm đã dùng chiêu trò "vẽ" công dụng, “thần thánh” hoá bản chất sản phẩm, thậm chí sản xuất mỹ phẩm không đạt chất lượng khiến nhiều người tiêu dùng "tiền mất tật mang".

Những mẫu quảng cáo, giới thiệu sản phẩm mỹ phẩm có tác dụng điều trị, chựa trị các bệnh lý về da vẫn được bán tràn lan trên không gian mạng với nhiều chiêu trò và nội dung có cánh dẫn đến nhiều sản phẩm được xem như “vị cứu tinh”, đánh đồng công dụng như thuốc trong điều trị bệnh khiến người tiêu dùng hiểu lầm, thậm chí gây hại cho sức khoẻ.

Cảnh giác với chiêu trò ‘vẽ’ công dụng mỹ phẩm điều trị da
Không chỉ quảng cáo như thuốc "đặc trị mụn", nhãn hàng Doctor Angel còn ghi cả nhãn hàng hoá "đặc trị" ngay trên bao bì sản phẩm, liệu việc ghi nhãn này có đúng với bản chất của sản phẩm mỹ phẩm?

Nhiều vụ việc vi phạm đã bị xử lý

Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ban hành loạt văn bản liên quan đến việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu huỷ nhiều loại mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm về quy định sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm.

Đơn cử, tại văn bản số 288/QLD-MP về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng của Công ty TNHH mỹ phẩm Hoa Mai Vàng. Công ty TNHH mỹ phẩm Hoa Mai Vàng có địa chỉ tại 60/41/31 Nguyễn Văn Cự, Khu phố 5, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh, và cũng là công ty sản xuất và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Cùng với đó là đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu huỷ các sản phẩm mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng của Công ty cổ phần La Vo và Chi Nhánh Công ty cổ phần La Vo; Công Ty cổ phần Kami và Chi nhánh Công ty cổ phần mỹ phẩm dừa Phú Long-02.

Trước đó, hồi đầu năm ngoái, Cục Quản lý dược cũng đã đình chỉ lưu hành, thu hồi sản phẩm Serum thâm X2 – nhãn hàng mỹ phẩm Huyền Phi Cosmetics. Theo Cục Quản lý Dược, sản phẩm Serum thâm X2 - nhãn hàng Huyền Phi Cosmetics bị đình chỉ lưu hành, thu hồi do mẫu kiểm nghiệm sản phẩm chứa hydroquinone - chất không được phép có trong sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da theo quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT. Tính năng, công dụng và thành phần công thức sản phẩm kê khai tại Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm không thống nhất với tính năng, công dụng và thành phần công thức ghi trên nhãn sản phẩm. Nhãn sản phẩm không ghi tên nước sản xuất theo quy định.

Cục Quản lý dược trước đó cũng đã đình chỉ lưu hành, thu hồi toàn quốc lo kem trị nám chứa kim loại nặng, gây ảnh hưởng sức khoẻ của người tiêu dùng của Công ty TNHH Thương mại mỹ phẩm Huỳnh Đỗ Cosmetics. Cụ thể, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Tây Ninh đã lấy mẫu sản phẩm kem chuyên trị nám của nhãn hiệu này tại một cơ sở mỹ phẩm tại chợ Tân Châu, thị trấn Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, để tiến hành kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, mẫu thử không đáp ứng yêu cầu về chỉ tiêu giới hạn kim loại nặng trong mỹ phẩm (hàm lượng thủy ngân vượt quá giới hạn cho phép) theo quy định của Hội đồng Mỹ phẩm ASEAN. Do đó, Cục Quản lý dược đã ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm kem chuyên trị nám nói trên.

Những vụ việc trên là hồi chuông cảnh báo đối với chị em về các loại mỹ phẩm trị thâm, nám được bán trôi nổi trên thị trường, có chứa nhiều hóa chất độc hại với làn da. Đồng thời là lời cảnh tỉnh với các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, không vì lợi ích cho bản thân mà quên đi trách nhiệm, đạo đức trong kinh doanh.

… mỹ phẩm Doctor Angel vẫn ngang nhiên vi phạm

Mặc dù quy định của pháp luật đã có, cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần thu hồi, tiêu huỷ và phát đi cảnh báo đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, nhưng trên thực tế tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều cơ sở tiếp tục lợi dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, website để quảng cáo bán mỹ phẩm, kiểu mập mờ công dụng, hoặc “tự vẽ” công dụng mỹ phẩm như thuốc điều trị, ghi sai nhãn hàng hoá… gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Thực tế, qua khảo sát của PV Thương Trường tại trang web https://myphamyteangel.vn/ của nhãn hàng mỹ phẩm Doctor Angel, cơ sở này ngang nhiên giới thiệu các bộ sản phẩm mỹ phẩm điều trị, như: Bộ trị mụn da liễu, Bộ trị nám mạnh, Bộ trị da Retinol, Kem đặc trị mụn, Serum trị mụn, Kem trị nám chuyên sâu… Chi tiết hơn, tại sản phẩm Kem đặc trị mụn, cơ sở mỹ phẩm Doctor Angel này giới thiệu bằng những mỹ từ rất lôi cuốn, rằng: “Kem đặc trị chuyên sâu về mụn và thâm, phù hợp với tất cả các loại da, kể cả nhạy cảm chịu nhiều tổn thương từ kích ứng. Mọi vấn đề về da mặt của bạn sẽ được chúng tôi giải quyết và điều trị dứt điểm. Angel luôn muốn bạn có một làn da sáng bóng, không tì vết, mang đến sự tự tin cho bạn trước đám đông”.

Ngoài ra, trong phần ghi công dụng, cơ sở này còn khẳng định: “Trị tận gốc các loại mụn: Mụn cám, Mụn Mủ, Mụn Bọc, Mụn Ẩn, Mụn Nội Tiết, Mụn Lâu Năm, Mụn Đầu Đen, Mụn Viêm Nặng; Ngăn ngừa mụn trở lại. Da sạch mụn láng mịn để bạn tràn đầy tự tin”.

Không chỉ quảng cáo như thuốc, điều mà người tiêu dùng đặc biệt lưu tâm, là các sản phẩm mỹ phẩm của nhãn hàng Doctor Angel đều ghi nhãn hàng hoá trực tiếp trên bao bì với những mỹ từ “đặc trị mụn” như thuốc chữa bệnh. Đáng chú ý, với sản phẩm Kem trị mụn (lọ 25g), trực tiếp được in trên bao bì (lọ) với dòng chữ: “Đặc trị mụn, giảm sưng viêm”; Serum trị mụn (lọ 5ml), trên bao bì nhãn hàng này cũng ghi, rằng: “Serum trị mụn, kháng khuẩn, giảm sưng, trị thâm mụn”.

Chưa biết thực hư công dụng của các sản phẩm như thế nào, và chất lượng các sản phẩm nêu trên cụ thể ra sao. Nhưng, chiếu theo Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm, cùng với hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm, những từ dùng cho quảng cáo như: đặc trị, điều trị, trị mụn, trị nám, chữa khỏi, làm lành mụn; giảm/kiểm soát sự sưng tấy phù nề; loại bỏ/giảm mỡ/ giảm béo; diệt nấm; diệt virus; kích thích… không được chấp nhận dùng trong quảng cáo mỹ phẩm.

Các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rất rõ, rằng mỹ phẩm không có tác dụng chữa bệnh hoặc thay thế thuốc chữa bệnh và không được phép kê đơn cho người bệnh. Nội dung quảng cáo mỹ phẩm cũng phải tuân thủ theo đúng quy định tại Điều 4 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP. Theo đó, tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với bản chất của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật. Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Đối với việc ghi nhãn hàng hoá, tại Điều 20 Thông tư 06/2011 của Bộ Y tế liên quan về nội dung khác thể hiện trên bao bì sản phẩm, hướng dẫn: “Tổ chức, cá nhân được phép ghi trên nhãn mỹ phẩm những nội dung khác. Những nội dung ghi thêm không được trái với quy định của pháp luật và phải đảm bảo trung thực, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hoá, không che khuất, không làm sai lệch những nội dung bắt buộc ghi trên nhãn mỹ phẩm”. Như vậy, chiếu theo quy định này của Bộ Y tế, rõ ràng việc nhãn hàng mỹ phẩm Doctor Angel ghi nhãn mỹ phẩm như đã nêu ở trên là hoàn toàn không đúng với bản chất của sản phẩm mỹ phẩm.

Đối chiếu với những quy định của pháp luật cũng như các hướng dẫn của cơ quan chức năng, chúng ta cũng phần nào hình dung được những vi phạm về quảng cáo, ghi nhãn đối với nhãn hàng mỹ phẩm Doctor Angel. Và người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi về tính pháp lý, chất lượng sản phẩm mỹ phẩm của cơ sở này?

Trước thực trạng nêu trên, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác trước các mỹ từ quảng cáo “điều trị”, “đặc trị mụn, nám”, “hết mụn nhanh”… Bởi, thực tế nhiều chị em sử dụng các sản phẩm mỹ phẩn thiếu cơ sở pháp lý, mập mờ công dụng chỉ sau một thời gian ngắn, da bắt bị kích ứng, mẩn đỏ, vùng nám lan rộng và sậm màu hơn.

Nguy hiểm hơn, một số sản phẩm mỹ phẩm có chứa các thành phần độc hại như thủy ngân sẽ gây phá hủy dần lớp biểu bì bên ngoài da, khiến cho da bị bào mòn, mỏng hơn và dễ bị tấn công bởi các tác nhân xấu từ bên ngoài, gia tăng lượng melanin khiến da thâm, sạm, nám... Bên cạnh đó, những chất độc hại sẽ phá vỡ hàng rào bảo vệ da bên ngoài, tạo điều kiện cho các loài nấm, ký sinh trùng phát triển và gây nên các bệnh lý nguy hiểm về da.

Minh Đức

Bạn đang đọc bài viết Cảnh giác với chiêu trò ‘vẽ’ công dụng mỹ phẩm điều trị da. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

5 Tiệm bánh Trung thu nức tiếng Hà thành
Dù bánh Trung thu hiện đại với muôn vàn hương vị mới lạ ngày càng phổ biến, những thương hiệu bánh truyền thống tại Hà Nội vẫn giữ vững vị thế, thu hút đông đảo thực khách mỗi độ thu về.
Uống trà xanh như thế nào để có sức khỏe tốt?
Trà xanh là một thức uống phổ biến trong đời sống hàng ngày và đã trở thành một phần của văn hóa Việt Nam. Uống trà xanh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng nếu không sử dụng đúng cách, nó cũng có thể gây hại.
Mưa lớn kéo dài, giá rau xanh tăng vọt
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày nay khiến giá rau tại các chợ trên địa bàn Hà Nội rục rịch tăng giá. Trong đó, các loại rau ăn lá và rau gia vị có mức giá tăng mạnh nhất.

Tin mới

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.