Cảnh giác với các chiêu lừa đảo tinh vi dịp cuối năm
Cuối năm là thời điểm tội phạm gia tăng hoạt động, trong đó có tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới nhiều hình thức.
Do đó, người dân phải hết sức tỉnh táo, không làm theo bất cứ yêu cầu nào của người lạ qua điện thoại, tin nhắn và cần cảnh giác khi tham gia các chương trình trúng thưởng, quà tặng hấp dẫn…
Nở rộ các chương trình khuyến mãi, giảm giá
Cuối năm là thời điểm các chương trình khuyến mãi, giảm giá diễn ra mạnh mẽ, nhằm kích cầu mua sắm của người dân. Lợi dụng tâm lý "săn sale", các đối tượng lừa đảo thường xuyên gửi email, tin nhắn giả mạo các sàn thương mại điện tử lớn, như: Shopee, Lazada, Tiki… với những chương trình ưu đãi hấp dẫn.
Các đối tượng xấu cũng tạo ra các Website, Fanpage giả mạo giống hệt với những trang chính thức của các thương hiệu lớn đăng tải, rao bán nhiều mặt hàng phục vụ Tết với giá cả rẻ hơn so giá thị trường rất nhiều. Khi có người mua, các đối tượng yêu cầu phải chuyển tiền đặt cọc. Sau khi đã nhận được tiền đặt cọc, đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt tài sản của người mua.
Các tài khoản mạng xã hội, Fanpage nói trên thường là các tài khoản ảo, mới được tạo dựng, ít lượt tương tác, không để quá nhiều thông tin hoặc để những thông tin không chính xác trên trang cá nhân. Với số tiền đặt cọc tuy theo từng mặt hàng, nhưng với số lượng đông người đặt hàng, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt được số lượng lớn tài sản từ các bị hại.
Một hình thức lừa đảo mới gây không ít thiệt hại là giả danh Shipper để yêu cầu người nhận thanh toán chuyển khoản. Những kẻ lừa đảo gọi điện thông báo giao hàng cho khách rồi yêu cầu thanh toán qua chuyển khoản, vì lý do không có người nhận. Sau đó, khi khách phản hồi không nhận được hàng, đối tượng sẽ tiếp tục dụ dỗ đăng ký nhận tiền hoàn lại qua các đường link chứa mã độc, từ đó chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Bùng phát website cá cược
Theo ghi nhận từ hệ thống báo cáo của website Chongluadao.vn, trong thời gian gần đây, số lượng nạn nhân của các trang web cờ bạc tăng mạnh, nhiều người bị dẫn dụ vào những website lừa đảo. Một nạn nhân giấu tên kể thông qua mạng xã hội, anh bị dẫn dụ vào trang web King33.xxx để chơi cá cược trực tuyến. Sau khi nạp tiền và thắng được số tiền khá lớn, anh muốn rút tiền ra nhưng tài khoản bị vô hiệu hóa không có lý do. "Rõ ràng đây là một trang web lừa đảo, cần phải được cảnh báo để không ai bị lừa tiếp theo", người này nói.
Trao đổi với báo chí, một chuyên gia thuộc dự án Chongluadao.vn cho biết: Khó có thể thống kê một cách đầy đủ các trang web tổ chức cá cược online bởi vì nhiều vô số kể. Có những trang được tổ chức bài bản, thu hút lượng người chơi lớn và cũng có nhiều website được tạo ra chỉ để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nạn nhân nạp vào. Tình trạng cá cược trực tuyến quảng cáo một cách công khai trên các nền tảng mạng xã hội đã diễn ra khá lâu. Tuy nhiên thời điểm cuối năm thường bùng phát mạnh, đánh vào tâm lý cần tiền tiêu xài của một số bộ phận người dân. Bên cạnh đó, nhiều người không nắm rõ thông tin, nghe theo quảng cáo trên mạng, tên của các trang web cá cược lại thường được đặt giống nhau nên không phân biệt được. Do đó, không ít người đã bị dẫn dụ vào các website lừa đảo, mất tiền oan uổng.
Mới đây, Công an huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) khởi tố vụ án, bắt tạm giam N.N.S (sinh năm 1993, trú xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) về tội "đánh bạc" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". N.N.S là đối tượng không có việc làm ổn định, thường xuyên quan hệ với các đối tượng có tiền án, tiền sự trên địa bàn. Thời gian gần đây, qua tìm hiểu trên các trang mạng xã hội, S. biết được cách đánh bạc qua các trang mạng trực tuyến bằng hình thức "tài xỉu" nên đã trực tiếp tham gia. Sau nhiều lần đánh bạc trực tuyến, Sang nợ nần nên nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tiếp tục trò chơi "đỏ đen" và có tiền trả nợ. Từ đó, S. sử dụng thủ đoạn mượn, sau đó cầm cố xe máy của nhiều người dân trên cùng địa bàn và lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 1 tỷ đồng.
Theo cơ quan công an, đây chỉ là một trong vô số trường hợp lâm cảnh nợ nần, bế tắc vì chơi bài bạc, cá cược trực tuyến và gây ra hệ lụy, gánh nặng lớn cho xã hội.
Xuất hiện ngày càng nhiều các tour du lịch giá rẻ
Bên cạnh đó, nhằm vào tâm lý đi chơi xa, du lịch vào dịp nghỉ lễ, tết cuối năm, nhiều đối tượng lừa đảo đã lập các tài khoản Facebook, Zalo giả mạo để đăng bài, chạy quảng cáo rao bán vé máy bay, đặt phòng giá rẻ trong các hội nhóm. Kịch bản quen thuộc là thủ phạm thường giả mạo những công ty du lịch nổi tiếng, khách sạn, nhà hàng để đăng bài kèm số điện thoại dễ nhớ và tên tài khoản ngân hàng trùng với tên trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin - Truyền thông) chỉ rõ: Các công ty lừa đảo thường không cung cấp địa chỉ, số điện thoại, hoặc thông tin về giấy phép kinh doanh. Đối tượng đăng tải hàng loạt quảng cáo tour qua các trang mạng xã hội, tin nhắn, hoặc qua các cuộc gọi không rõ nguồn gốc; chào bán tour du lịch với mức giá cực kỳ thấp so với thị trường và yêu cầu thanh toán trước toàn bộ hoặc một khoản tiền lớn mà không có hợp đồng rõ ràng hoặc không có thông tin đầy đủ về công ty tổ chức tour.
Chiến dịch lừa đảo quy mô lớn trên Telegram
Các chuyên gia thuộc dự án Chống lừa đảo (Chongluadao.vn) vừa phát đi cảnh báo liên quan đến chiến dịch lừa đảo đánh cắp tài khoản Telegram của người dùng. Dựa trên một đường dẫn lừa đảo được báo cáo bởi nạn nhân, các chuyên gia an ninh mạng của dự án Chongluadao.vn xác định chiến dịch lừa đảo này liên quan đến một nhóm hacker nước ngoài nhắm vào tài khoản Telegram ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Chuyên gia Nguyễn Hoàng Thắng, đồng sáng lập dự án Chongluadao.vn, lưu ý: Về cách thức tấn công, người dùng sẽ nhận được tin nhắn từ Telegram với nội dung như tài khoản cần xác minh danh tính, bảo mật, hoặc thông báo vi phạm... Sau khi bấm vào những đường link chứa mã độc thường dẫn đến các trang web giả mạo giống Telegram, nhằm đánh cắp cookies, session, tên đăng nhập, mật khẩu và mã OTP của người dùng. Trong một số cách thức tinh vi hơn, đối tượng còn tạo bot chat Telegram giả, khi người dùng nhấp vào sẽ xuất hiện cửa sổ ngay trong ứng dụng với mục đích đánh cắp tương tự.
Sau khi đánh cắp được tài khoản, các đối tượng này sẽ tiếp tục đăng nhập trên Telegram bằng chính trình điều khiển, khiến nạn nhân không kịp trở tay. Việc chiếm đoạt tài khoản Telegram có rất nhiều mục đích: Ngoài phát tán mã độc, kẻ gian còn có thể chiếm đoạt thông tin cá nhân, hình ảnh nhạy cảm, tài khoản mạng xã hội khác, tiền ảo, ví điện tử, thậm chí cả tài khoản ngân hàng. Sau đó, kẻ gian dùng chính tài khoản Telegram đã đánh cắp này để tiếp tục rải các link phishing (tấn công giả mạo) nhằm tìm kiếm nạn nhân tiếp theo.
Khánh An (t/h)