Cảnh báo gia tăng lừa đảo tiền điện tử thời AI
Theo báo cáo mới nhất từ công ty phân tích chuỗi khối Chainalysis, các vụ lừa đảo tiền điện tử đang gia tăng mạnh mẽ, với tổng giá trị bị chiếm đoạt trong năm 2024 ước tính ít nhất 9,9 tỷ USD và có thể lên tới 12,4 tỷ USD khi có dữ liệu đầy đủ hơn.
Đáng lo ngại, trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành công cụ đắc lực giúp kẻ lừa đảo mở rộng quy mô hoạt động, khiến các nạn nhân ngày càng khó phát hiện chiêu trò hơn.

Một trong những hình thức lừa đảo phát triển mạnh nhất là "pig butchering" (nghĩa đen: "mổ heo") - tức là kẻ lừa đảo dành nhiều thời gian để tạo dựng lòng tin của nạn nhân trước khi dụ họ đầu tư vào các dự án giả mạo. Theo báo cáo, các vụ lừa đảo kiểu này đã tăng gần 40% trong năm 2024 so với năm trước đó.
Ngoài "mổ heo", còn có hơn 10 chiêu trò lừa đảo tiền điện tử khác đang hoành hành, bao gồm:
Lừa đảo đầu tư Bitcoin: Dụ dỗ nạn nhân đầu tư vào các dự án tiền điện tử "ảo", sau đó chiếm đoạt tài sản; Lừa đảo tình cảm (Romance scams): Kẻ lừa đảo tạo mối quan hệ tình cảm giả tạo để lấy lòng tin trước khi lừa tiền; Tấn công giả mạo (Phishing scams): Gửi email, tin nhắn mạo danh các tổ chức tài chính để đánh cắp thông tin đăng nhập của nạn nhân; Lừa đảo rút tiền điện tử (Crypto drainers): Kẻ gian mạo danh các dự án blockchain để kiểm soát ví tiền điện tử của nạn nhân. Lừa đảo đầu tư lợi nhuận cao (High-yield investment scams): Hứa hẹn mức lợi nhuận cực cao nhưng thực chất là mô hình Ponzi hoặc dự án lừa đảo.
Các chuyên gia của Chainalysis cảnh báo rằng AI tạo sinh (GenAI) đang thay đổi cách thức lừa đảo tiền điện tử, khiến các chiêu trò tinh vi hơn và khó nhận diện hơn. AI giúp tạo ra nội dung giả mạo chuyên nghiệp, như tin nhắn, email và thậm chí là giọng nói hoặc video deepfake để lừa nạn nhân. Giảm chi phí vận hành, cho phép kẻ lừa đảo mở rộng quy mô nhanh chóng. Tự động hóa các cuộc trò chuyện, khiến nạn nhân dễ tin tưởng hơn vào những kịch bản lừa đảo được lập trình sẵn.
Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, hoạt động lừa đảo tiền điện tử đã tăng trung bình 24% mỗi năm, cho thấy xu hướng đáng báo động.
Không chỉ sử dụng AI, kẻ lừa đảo còn tận dụng nhiều nền tảng giao dịch và công cụ tài chính để thực hiện hành vi phạm tội. Sàn giao dịch ngang hàng (P2P) như Huione Guarantee đã trở thành nơi để kẻ gian rửa tiền và thực hiện các giao dịch bất hợp pháp. Máy ATM tiền điện tử cũng bị lợi dụng: Kẻ gian thường mạo danh quan chức chính phủ hoặc nhân viên hỗ trợ để dụ dỗ nạn nhân gửi tiền mặt vào ATM Bitcoin, sau đó chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Trước tình trạng lừa đảo ngày càng tinh vi, người dùng tiền điện tử cần cảnh giác và thực hiện các biện pháp sau: Kiểm tra kỹ dự án trước khi đầu tư: Không nên tin vào những lời hứa hẹn lợi nhuận cao. Không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc mật khẩu ví điện tử: Kẻ gian có thể giả danh để đánh cắp thông tin. Cẩn trọng với những người lạ gạ gẫm đầu tư: Đặc biệt là các mối quan hệ trực tuyến hình thành nhanh chóng. Tránh các giao dịch trên sàn P2P không uy tín: Luôn kiểm tra thông tin về nền tảng giao dịch trước khi sử dụng. Kiểm tra email và tin nhắn lạ: Cẩn thận với các liên kết giả mạo yêu cầu đăng nhập ví tiền điện tử.
Mặc dù tiền điện tử mang lại nhiều lợi ích trong giao dịch và đầu tư, nhưng nó cũng là môi trường màu mỡ cho các hoạt động lừa đảo. Với sự hỗ trợ của AI, các vụ gian lận ngày càng tinh vi, khiến việc nhận diện trở nên khó khăn hơn.
Các cơ quan quản lý và chuyên gia đang nỗ lực đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự cảnh giác từ phía người dùng.
Quốc Nam (th)