0922 281 189 [email protected]
Thứ sáu, 07/07/2023 08:37 (GMT+7)

Ca sốt xuất huyết, tay chân miệng tại TP.HCM tiếp tục tăng nhanh

Theo dõi KT&TD trên

Ngày 6/7, Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong tháng 6 đầu năm 2023, số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng tại TP.HCM đều gia tăng. Ngành Y tế thành phố đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Cụ thể, trong tháng 6, thành phố ghi nhận 758 ca bệnh sốt xuất huyết. Tổng số ca mắc 6 tháng đầu năm 2023 là 8.519 ca (giảm 61,5% so cùng kỳ năm 2022), không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết (cùng kỳ năm 2022 ghi nhận 12 trường hợp). Tình hình thu dung, điều trị trong tháng 6 là 331 ca sốt xuất huyết.

Hiện tại, có 111 trường hợp đang điều trị nội trú, trong đó có 10 trường hợp sốt xuất huyết nặng (tỷ lệ bệnh nhân nặng từ tỉnh chuyển đến chiếm khoảng 70%, do quá khả năng điều trị), có 4 ca đang thở máy. Số ổ dịch được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm 62% so cùng kỳ năm 2022.

Ca sốt xuất huyết tay chân miệng tại TPHCM tiếp tục tăng nhanh
Ảnh minh họa.

Đại diện Sở Y tế cho biết, số ổ dịch được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm 62% so cùng kỳ năm 2022. Mặc dù số ca mắc, số ổ dịch năm nay thấp hơn năm trước nhưng đã có dấu hiệu dịch bệnh bắt đầu gia tăng từ tuần 24 đến nay. Số ca mắc trong tháng 6 đã cao hơn tháng 5.

Theo quy luật diễn tiến dịch bệnh hằng năm tại thành phố, mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu tăng vào tuần thứ 24, sẽ tăng cao trong tháng 7 và dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 10 hằng năm. Trong khi đó, qua giám sát điểm nguy cơ, tỷ lệ phát hiện có loăng quăng tại các điểm nguy cơ được giám sát là gần 48% (49/103 điểm), đây là con số đáng báo động, tỷ lệ này sẽ cao hơn nữa khi thành phố mưa nhiều hơn và không có những biện pháp quyết liệt để kiểm soát các điểm nguy cơ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tăng cường giám sát về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng. Hầu hết các trạm y tế đã triển khai đầy đủ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

Về bệnh tay chân miệng, trong tháng 6, thành phố ghi nhận 2.690 ca mắc, gồm 569 ca nội trú và 2.121 ca ngoại trú. Trong số 569 ca nhập viện điều trị trong tháng 6, có 118 ca nặng ( tỷ lệ bệnh nhân từ các tỉnh chuyển đến chiếm gần 76%) và tất cả đều là trẻ em dưới 6 tuổi.

Đại diện Sở Y tế thông tin: Số ca mắc tay chân miệng bắt đầu tăng liên tục từ tuần 19 đến nay, số ca bệnh nặng cũng gia tăng theo. "Số ca mắc trong tháng 6 cao hơn rất nhiều so với số ca mắc hằng tháng từ tháng 1 đến tháng 5. Bên cạnh đó, tổng số ổ dịch tay chân miệng trong 6 tháng là 125 ổ dịch, trong đó 70 ổ dịch trong trường học và 55 ổ dịch tại cộng đồng, tăng gấp 2 lần so cùng kỳ năm 2022 là 64 ổ dịch"

Tổng số ca mắc tay chân miệng trong 6 tháng đầu năm 2023 là 4.500 ca (thấp hơn 47% so với cùng kỳ năm 2022). Tuy số ca mắc thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng với nguyên nhân gây bệnh là Enterovirus (EV71) - chủng virus có độc lực cao, có thể gây bệnh nặng và thậm chí tử vong, ngành Y tế dự báo số ca mắc và số ca nặng sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần sắp tới và có thể kéo dài nếu không quyết liệt có các biện pháp dự phòng bệnh.

Trước dự báo tình hình dịch bệnh sẽ gia tăng, Ngành Y tế TP.HCM đã chủ động triển khai hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh ngay từ tháng 5 và tập trung nhiều hoạt động trong tháng 6.

Sở Y tế đã xây dựng kịch bản ứng phó dịch tay chân miệng bao gồm 3 cấp độ, thực hiện phân tầng điều trị với tầng cuối là các bệnh viện chuyên khoa Nhi và bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng thành lập Tổ chuyên gia điều trị bệnh tay chân miệng nhằm tăng cường công tác hội chẩn các ca nặng cần chuyển tuyến hoặc ca khó với các đơn vị (trong Thành phố và các tỉnh/thành phố phía Nam) đảm bảo công tác chuyển viện an toàn.

Sở Y tế TP.HCM phân công các bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp tục hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện thuộc tỉnh/thành phố phía Nam về công tác điều trị bệnh tay chân miệng để điều trị kịp thời và hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tăng cường giám sát về công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Hầu hết các Trạm Y tế đã triển khai đầy đủ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại địa phương. Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn sai sót trong việc xác minh ca bệnh, một số trường học báo cáo không kịp thời ổ dịch tại trường.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, mỗi người, mỗi nhà chủ động truy tìm và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh. Người dân khi phát hiện các điểm nguy cơ, có thể phản ánh lên ứng dụng Y tế trực tuyến. Để phòng bệnh tay chân miệng, người chăm sóc trẻ và trẻ em cần thường xuyên rửa tay, vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của trẻ, bàn ghế, sàn nhà... Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, phụ huynh hãy đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế.

Hoàng Hậu

Bạn đang đọc bài viết Ca sốt xuất huyết, tay chân miệng tại TP.HCM tiếp tục tăng nhanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mở đợt cao điểm chống buôn lậu thuốc, hàng giả trong lĩnh vực y tế
Bộ Y tế vừa có công văn số 3005/BYT-QLD gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tin mới

Mở đợt cao điểm chống buôn lậu thuốc, hàng giả trong lĩnh vực y tế
Bộ Y tế vừa có công văn số 3005/BYT-QLD gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Chống hàng giả, hàng nhái: Cuộc chiến chưa hồi kết
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái từ lâu đã trở thành một "ung nhọt" nhức nhối trong nền kinh tế, không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia và môi trường kinh doanh lành mạnh.
Tỷ giá USD hôm nay (18/5): Đồng USD tiếp tục duy trì đà tăng
Tỷ giá USD hôm nay (18/5): Đồng USD mạnh lên vào phiên giao dịch cuối tuần sau khi dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy giá nhập khẩu phục hồi, trong khi tâm lý người tiêu dùng vẫn ở mức thấp, khi lo ngại về thuế quan tăng vọt, đưa đồng USD vào đà tăng tuần thứ tư liên tiếp.