0922 281 189 [email protected]
Chủ nhật, 30/04/2023 06:36 (GMT+7)

Những điểm sáng kinh tế- xã hội của TP. HCM trong tháng 4

Theo dõi KT&TD trên

Tại phiên họp về tình hình Kinh tế- xã hội tháng 4, đồng chí Phan Văn Mãi -Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tình hình kinh tế của TP. HCM trong tháng 4 có những tín hiệu tích cực.

Những điểm sáng kinh tế- xã hội của TP. HCM trong tháng 4 - Ảnh 1
Kinh tế TP. HCM có nhiều tín hiệu khởi sắc

Du lịch và vận tải hành khách tăng cao

Tại cuộc họp, bà Lê Thị Huỳnh Mai – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cho biết, các ngành công nghiệp, thương mại TP. HCM có sự khởi sắc. Trong đó, du lịch và vận tải hành khách tăng cao.

Trong tháng 4, tổng doanh thu về du lịch ước đạt 15.035 tỷ đồng, tăng 71,6% so với cùng kỳ năm 2022; khối lượng vận tải hành khách công cộng ước đạt 32,12 triệu lượt hành khách, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 95.800 tỷ đồng, tăng 12% so với tháng 3. Xuất khẩu hàng hóa trong tháng ước đạt 3,6 tỷ USD, giảm 3,6% so với tháng trước; nhập khẩu ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 8% so với tháng trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 3% so với tháng trước.

Về tình hình thu, chi ngân sách, ông Lê Duy Minh- Giám đốc Sở Tài chính TP. HCM thông tin, tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm ước đạt 170.020,817 tỷ đồng, đạt 36,20% dự toán năm và bằng 96,77% so cùng kỳ.

Trong cuộc họp, Cục Thống kê TP. HCM cũng cho biết, ngành công nghiệp khởi sắc hơn so với tháng 3. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang lao đao vì thiếu đơn hàng sản xuất, chịu áp lực trả lãi vay ngân hàng; công nhân thất nghiệp, không đủ kinh tế trang trải cho gia đình.

Vốn đầu tư nước ngoài trong tháng 4 chưa đầy 1 tỷ USD, giảm 23,4% so với cùng kỳ 2022. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 9,6% nhưng giảm gần 25% về vốn đăng ký. Tính đến 21/4, TP. HCM mới giải ngân được hơn 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, tương đương 4,9% tổng số vốn giao năm nay.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, tuy tình hình KT- XH có nhiều điểm sáng nhưng khó khăn vẫn còn kéo dài, thành phố cần phân tích dữ liệu một số diễn biến trong tháng 5, cả mặt tích cực và tiêu cực để đón bắt, ứng xử phù hợp.

Để tiếp tục cải thiện tình hình kinh tế, Chủ tịch UBND TP. HCM yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư.

Nhiệm vụ trọng điểm của tháng 5

UBND TP. HCM đưa ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội trong tháng 5. Theo đó, UBND TP. HCM sẽ ban hành các kế hoạch để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ thông tin, truyền thông; cải thiện năng lực tranh cấp tỉnh (PCI); triển khai ứng dụng di động cổng giao tiếp thống nhất giữa công dân với chính quyền thành phố.

Những điểm sáng kinh tế- xã hội của TP. HCM trong tháng 4 - Ảnh 2
Ông Phan Văn Mãi thông tin tại buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội TP. HCM tháng 4/2023

Ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công; hoàn thành công tác đầu thầu, lựa chọn nhà thầu thực hiện quy hoạch TP. HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phối hợp thẩm định Đồ án Quy hoạch chung Quy hoạch chung TP. Thủ Đức.

Hoàn thành các đề án bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ giai đoạn 2020 - 2025; đề án nghiên cứu tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm thành phố và đề án Xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Song song đó, TP. HCM cũng nghiên cứu chỉnh trang bến Bạch Đằng từ cầu Khánh Hội đến cầu Thủ Thiêm; phấn đấu hoàn thành cơ bản các hạng mục tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Thanh

Bạn đang đọc bài viết Những điểm sáng kinh tế- xã hội của TP. HCM trong tháng 4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khám phá menu đồ uống của Katinat Saigon Kafe
Katinat Saigon Kafe - Thương hiệu cà phê nổi bật tại TP.HCM chinh phục khách hàng với menu đa dạng hơn 40 loại thức uống độc đáo. Từ cà phê đậm đà, trà trái cây tươi mát đến các món đá xay hấp dẫn, mỗi thức uống đều mang đến trải nghiệm mới mẻ và thú vị.
Sự đa dạng hóa của thị trường đồ uống Việt
Thị trường đồ uống Việt Nam đang trải qua một cuộc cách mạng thầm lặng mà không phải ai cũng nhận ra. Cách đây vài thập kỷ, văn hóa thưởng thức đồ uống của người Việt chủ yếu gắn liền với những quán cóc ven đường hoặc các quán nước giải khát đơn giản.
Thanh tra Chính phủ chỉ ra "điểm nghẽn" về phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM ​​​​​​​
Việc đầu tư nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) còn chậm, chưa đạt được mục tiêu đề ra, không đáp ứng được nhu cầu của người dân; các quỹ đất dành cho việc đầu tư NƠXH còn hạn hẹp, cơ chế để đầu tư còn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.
Đâu là rào cản doanh nghiệp ứng dụng AI vào sản xuất?
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang nhanh chóng trở thành một yếu tố then chốt. Nắm bắt kịp thời xu hướng đó, các doanh nghiệp Việt nhanh chóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh.