Bộ Tài chính nói gì về việc Tập đoàn Sơn Hải trượt thầu dự án cao tốc TP.HCM - Chơn Thành?
Bộ Tài chính khẳng định tuân thủ nguyên tắc công bằng, khách quan trong việc đánh giá, lựa chọn nhà thầu tại dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Bộ Tài chính phản hồi về việc Sơn Hải trượt thầu
Bộ Tài chính vừa gửi báo cáo lên Thủ tướng và Phó Thủ tướng, trình bày kết quả kiểm tra công tác lựa chọn nhà thầu tại gói thầu thi công Dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Phước (nay thuộc tỉnh Đồng Nai).
Trong báo cáo, Bộ Tài chính đã nêu rõ các nội dung liên quan đến việc ứng dụng Mô hình thông tin công trình (BIM), tình trạng máy móc, thiết bị xây dựng, vật tư chính, năng lực của tổ chuyên gia, kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu điện tử (E-HSDT) cũng như quá trình thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
Trước đó, ngày 29/5, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 4755, trong đó Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành Bộ Tài chính – Bộ Xây dựng nhằm kiểm tra toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu của gói thầu này.
Phó Thủ tướng yêu cầu việc kiểm tra phải đảm bảo "công bằng, khách quan, minh bạch, hiệu quả kinh tế" và tuân thủ nguyên tắc phân cấp tối đa, giao quyền quyết định, tổ chức và chịu trách nhiệm cho địa phương.

Trên tinh thần đó, trong Báo cáo số 8747 gửi Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính chỉ tập trung vào việc rà soát, phát hiện, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, mà không kết luận cụ thể. Bộ nêu rõ trách nhiệm xem xét, quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm toàn diện thuộc về địa phương.
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 85 Luật Đấu thầu, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu trên địa bàn, bao gồm công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm.
Giải trình thêm, Bộ Tài chính cho biết đã ban hành Quyết định số 1935 ngày 2/6 để thành lập Tổ công tác kiểm tra lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng dự án. Tuy nhiên, do thời gian gấp rút, Tổ công tác chỉ có tối đa 2 ngày làm việc trực tiếp tại tỉnh Bình Phước (nay là tỉnh Đồng Nai) và phải hoàn tất báo cáo trước ngày 10/6.
Đặc biệt, gói thầu có quy mô lớn, hồ sơ mời thầu phức tạp, nhiều nhà thầu tham gia, khối lượng tài liệu kiểm tra rất lớn. Vì vậy, Tổ công tác tập trung chủ yếu vào những nội dung then chốt liên quan đến kiến nghị của nhà thầu và các vấn đề được Phó Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra.
Ngoài ra, do cần thêm thời gian để lấy ý kiến chuyên môn từ các cơ quan quản lý ngành, nhất là về đăng kiểm, kiểm định thiết bị thi công, nên báo cáo cuối cùng chưa thể hoàn thiện đúng thời hạn.
Bộ Tài chính cũng đã nêu rõ trong văn bản gửi Chính phủ lý do chưa thể đưa ra kết luận chính thức sau khi hoàn tất kiểm tra tại hiện trường.
UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá lại quá trình lựa chọn nhà thầu
Ngoài việc đưa ra những đánh giá, kết luận cụ thể về kết quả kiểm tra công tác lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thi công dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành (đoạn qua tỉnh Đồng Nai), Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết, UBND tỉnh Đồng Nai được yêu cầu nghiên cứu, tiếp thu toàn bộ ý kiến của Bộ Tài chính, đồng thời tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá lại toàn diện quá trình lựa chọn nhà thầu. Để đảm bảo khách quan, trong trường hợp cần thiết, địa phương có thể thuê đơn vị tư vấn độc lập, có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện việc rà soát, kiểm tra này.
Nếu kết quả đánh giá lại hồ sơ dự thầu điện tử (E-HSDT) dẫn đến việc thay đổi nhà thầu được đề nghị trúng thầu, hoặc khi tất cả các nhà thầu tham dự không đáp ứng yêu cầu, người có thẩm quyền phải ra quyết định không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có), theo đúng quy định của Luật Đấu thầu.
Trên cơ sở kết quả rà soát, chủ đầu tư cần triển khai các bước tiếp theo, gồm: hủy thầu và tổ chức đấu thầu lại hoặc phê duyệt lại kết quả lựa chọn nhà thầu, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, tránh phát sinh tranh chấp hoặc khiếu kiện kéo dài.
Ngược lại, nếu việc đánh giá lại không làm thay đổi kết quả lựa chọn, chủ đầu tư cần sớm hoàn thiện hồ sơ, ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu để nhanh chóng triển khai dự án, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Dù trong bất kỳ trường hợp nào, nhà thầu trúng thầu cuối cùng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật, năng lực tài chính, chất lượng và tiến độ thực hiện; đồng thời không để xảy ra thất thoát, lãng phí hay tiêu cực trong quá trình thi công.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm toàn diện đối với công tác lựa chọn nhà thầu, thực hiện đúng tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Trong trường hợp phát sinh vấn đề kỹ thuật hoặc vướng mắc về pháp lý liên quan đến hồ sơ kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, hoặc giấy chứng nhận kiểm định của các thiết bị thi công chính, UBND tỉnh Đồng Nai cần chủ động trao đổi, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan để xác minh tính cần thiết, hợp pháp và đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành.
Cuối cùng, UBND tỉnh Đồng Nai phải khẩn trương xử lý dứt điểm kiến nghị của nhà thầu Sơn Hải, bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật, khách quan, minh bạch, và tránh tình trạng kéo dài, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình triển khai dự án.