Bổ sung thêm đối tượng được BHYT chi trả 100% từ ngày 03/12
Theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ một số đối tượng sẽ được nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Cho phép xuất trình CCCD, giấy tờ trên VNeID khi đi khám, chữa bệnh. Hiệu lực thi hành từ 03/12/2023.
Điều chỉnh mức chi trả BHYT
Đáng chú ý, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng được ngân sách hỗ trợ đóng BHYT. Cụ thể:
Thứ nhất, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2023.
Thứ 2, hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú trên địa bàn các huyện nghèo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền. Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT đối với đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 4 Nghị định này.
Thứ 3, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Ngoài ra 5 nhóm đối tượng được hưởng BHYT 100%.
- Người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Cựu chiến binh; Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; Thân nhân của liệt sĩ bao gồm: cha đẻ; mẹ đẻ; vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi liệt sĩ; Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp hằng tháng…
- Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thương binh; Bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; Trẻ em dưới 6 tuổi…
- Người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh tại tuyến xã.
- Chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở.
- Có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
Đối với mức chi trả 95% phí khám bệnh, chữa bệnh thêm 3 đối tượng:
- Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo trường hợp nuôi con liệt sỹ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sỹ khi còn sống.
- Người phục vụ người có công đang sống ở gia đình bao gồm: Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người phục vụ thương binh (tính cả thương binh loại B được công nhận trước 31/12/1993), người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học tổn thương từ 81%.
- Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Xuất trình căn cước công dân thay thẻ giấy
Một nội dung mới được đông đảo người dân chú ý là từ ngày 3/12/2023, người dân có thể sử dụng căn cước công dân hoặc giấy tờ đã được tích hợp trên VNeID thay cho BHYT để khám chữa bệnh.
Người tham gia BHYT phải xuất trình thẻ khi khám chữa bệnh có thẻ BHYT hoặc căn cước công dân. Trường hợp thẻ chưa có ảnh phải xuất trình thêm giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của Công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên.
Các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử (VNeID) mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử cũng được phép sử dụng.
Nhận định về Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, bà Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết những quy định mới mang tính cởi nít, đột phá, đặc biệt là giải quyết các vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Từ đó tạo thuận lợi cho công tác khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Đồng thời tăng cường vai trò quản lý và trách nhiệm của bộ, ban ngành trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.
Việc hỗ trợ thêm một thời gian sau khi thoát nghèo của ngân sách nhà nước có thể giúp người dân tích lũy, điều kiện kinh tế để tham gia BHYT. Thể hiện chính sách thoát nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ.
Phạm Thu