Bình Dương: Dự kiến di dời 2.900 doanh nghiệp, nhà máy ra khỏi khu dân cư từ năm 2024
Thông qua chính sách tại Kỳ họp HĐND dân, tỉnh Bình Dương dự kiến từ năm 2024 sẽ di dời khoảng 2.900 doanh nghiệp và nhà máy ra khỏi khu dân cư, giai đoạn 2024 – 2030.
Chiều 25/10, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo "Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương", ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đồng thời làm Trưởng Ban chỉ đạo đã thống nhất về phương án xây dựng chính sách hỗ trợ và tiêu chí đánh giá mức độ di dời của doanh nghiệp. Cụ thể, thành phố Dĩ An lên kế hoạch di dời từ tháng 01/2024 đến tháng 6/2030, thành phố Thủ Dầu Một triển khai di dời từ tháng 01/2024 đến tháng 6/2030, thành phố Thuận An di dời đến hết tháng 12/2028, thị xã Tân Uyên di dời từ tháng 01/2024 đến 12/2029 và thị xã Bến Cát di dời từ tháng 01/2024 đến 12/2030.
Trên tinh thần đó, tỉnh Bình Dương đang xem xét các chính sách hỗ trợ theo hướng ổn định việc làm cho người lao động sản xuất của doanh nghiệp, giá đất cho thuê nhằm khuyến khích doanh nghiệp di dời, nhà ở cho công nhân khi thực hiện di dời, đào tạo nghề cho người lao động; các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí các thủ tục hành chính khi thực hiện di dời và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kế thừa quỹ đất đang có ở vị trí hiện tại để thực hiện theo quy hoạch.
Tiêu chí theo thang điểm để xác định di dời các doanh nghiệp cũng được xem xét với các mức: Bắt buộc di dời, thuộc diện di dời, thuộc diện phải chuyển đổi công năng, thuộc diện không di dời, chuyển đổi công năng...
Một trong những trăn trở khi thực hiện di dời các doanh nghiệp bên ngoài vào khu, cụm công nghiệp có đặc thù của ngành gốm sứ. Đại diện Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương cho biết, có nhiều doanh nghiệp gốm sứ rất trăn trở, nếu di dời đến chỗ khác sẽ gặp nhiều khó khăn do đặc thù của nghề, hiện nay là đào tạo thợ tuyển dụng nhân sự lĩnh vực gốm sứ hiện nay cũng rất khó khăn, mô hình doanh nghiệp làm gốm đa số là sản xuất nhỏ lẻ nên không có nguồn vốn lớn để xây dựng cơ sở mới. Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương đề nghị, tỉnh cần có chính sách và định hướng cụ thể, cơ chế đặc thù riêng đối với các doanh nghiệp gốm sứ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Ban Chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu quy hoạch nơi di dời doanh nghiệp, nhà máy đến có vị trí thuận lợi về nguyên liệu, giao thông vận tải, nguồn nhân công và các chính sách hỗ trợ đất đai, thuê đất, chuyển đổi công năng sản xuất phù hợp, đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp.