Bình Dương: Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, dịch vụ công
Tỉnh Bình Dương đặt ra chỉ tiêu, trong quý III/2023 nâng tỷ lệ dịch vụ trực tuyến toàn trình và một phần cấp tỉnh 80%, cấp huyện 60%, cấp xã 60% vào cuối năm 2023.
Với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ số hóa mọi công đoạn trong giải quyết thủ tục hành chính, Ban chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06, triển khai thành phố thông minh và giải quyết một số khó khăn cho người dân và doanh nghiệp đang tìm cách tháo gỡ những vướng mắc để những kế hoạch này nhanh chóng hoàn thành.
Theo đó, tỉnh Bình Dương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải làm việc không giấy, giải quyết công việc, hồ sơ liên thông trên mạng, thực hiện báo cáo định kỳ bảng mẫu điện tử (Eform). Thực hiện quản lý và phân tích cơ sở dữ liệu nguồn lao động, giới thiệu việc làm, cơ sở bảo trợ xã hội để phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, liên thông cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh giữa các cơ sở y tế… Đồng thời cơ cấu, kiện toàn lại tổ chức Văn phòng Thành phố thông minh, tập trung triển khai thực hiện "16 mô hình điểm" đã ký kết với Bộ Công an; tích hợp kết nối, chia sẻ dữ liệu của các phần mềm ứng dụng, trên hệ thống thông tin giám sát, điều hành thông minh tỉnh IOC. Qua đó, hỗ trợ lãnh đạo tỉnh ra quyết định và tương tác trực tuyến với các đơn vị, địa phương và công dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Để thực hiện được kết quả theo kế hoạch, tỉnh Bình Dương quyết liệt chỉ đạo công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06, thành phố thông minh và giải quyết một số khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tỉnh Bình Dương đã thành lập tổ giúp việc trên từng lĩnh vực, đảm bảo nguồn lực cho việc thực hiện nhiệm vụ, chủ động tổ chức triển khai các nhiệm vụ và theo dõi, kiểm tra, giám sát kết quả của từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, tham mưu xây dựng chính sách cho tổ công nghệ số cộng đồng, khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ cán bộ công chức đẩy mạnh chuyển đổi số.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06, thành phố thông minh của tỉnh Bình Dương đang có những chuyển biến tích cực. Ngay thời điểm hiện tại, lĩnh vực thanh toán trực tuyến đạt 34,17% so với tuần trước, tăng 1,33%. Tỷ lệ số hóa hồ sơ kết quả giải quyết toàn phần chính đạt 75,52%. Tỷ lệ hài lòng của người dân tiếp tục duy trì với tỉ lệ 98,33%. Tỷ lệ hài lòng trong giải quyết theo kiến nghị là 95%, đồng thời tất cả các phản ánh kiến nghị đều xử lý và đăng tải công khai. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính là 92%, công khai minh bạch cải cách thủ tục hành chính tăng 5,8 điểm so với tuần trước.
Tuy nhiên, việc phối hợp thực hiện một số nội dung liên quan còn một số vấn đề cần giải quyết; công tác triển khai chậm, trong đó công tác đồng bộ dữ liệu giữa các đơn vị chưa được đẩy nhanh nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ công việc.
Để giải quyết tình trạng trên, tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cho quy trình số hóa, hướng dẫn kỹ thuật và tích hợp các tính năng bổ sung những kết quả trước đây, đồng thời sửa một số lỗi của phần mềm để thực hiện. Ngoài ra, giải pháp tăng cường số hóa trang bị đủ chữ ký số, tăng cường nhân sự thực hiện với biện pháp huy động tình nguyện viên nhất là đối với các cấp huyện, thị, xã, phường.
Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa chính quyền với xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, giúp tỉnh Bình Dương nâng cao năng lực quản lý điều hành, phát triển chính phủ số, xã hội số, công dân số.