Bán vật liệu xây dựng không xuất hóa đơn là vi phạm pháp luật
Chế tài xử phạt đối với hành vi khai thác khoáng sản “chui”, khai thác vượt công suất, khai thác ngoài mốc giới, trốn thuế tài nguyên thu lợi bất chính, bất hợp pháp nguồn tài nguyên khoáng sản đang là vấn đề mà các cơ quan quản lý Nhà nước lúng túng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Vẫn còn tình trạng tiêu thụ khoáng sản trá hình, trốn xuất hóa đơn
Theo quy định, việc xuất bán khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác phải có hợp đồng mua bán hàng hóa và xuất hóa đơn đầy đủ, ghi đúng số lượng, giá bán; có phiếu xuất kho đối với mỗi lần vận chuyển. Khi vận chuyển khoáng sản ra bên ngoài khu vực tập kết nguyên liệu thành phẩm, phải có phiếu kết xuất dữ liệu từ trạm cân và lập sổ theo dõi, ghi rõ: Loại, khối lượng khoáng sản, biển số phương tiện vận chuyển, ghi chép đầy đủ thông tin theo từng ngày, tháng, năm để làm cơ sở khai báo sản lượng tính thuế tài nguyên khoáng sản và xác định sản lượng khoáng sản khai thác hàng năm trong báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản…
Thực tế, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhiều mỏ khoáng sản đã bị xử phạt rất nặng vì đã không tuân thủ theo quy định.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, một cán bộ Cục Thuế Hà Tĩnh cho biết: “Việc bán vật liệu xây dựng không xuất hóa đơn cho người mua là hành vi trốn thuế. Nếu người mua yêu cầu mà người bán không xuất hóa đơn khi phát hiện sẽ bị xử phạt rất nặng. Mức xử phạt về thuế cao nhất lên đến 50 triệu đồng.
Chúng tôi đã chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ và Chi cục Thuế khu vực tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về kê khai nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản; sổ sách, hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc mua, bán khoáng sản của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai không đúng thực tế, bán khoáng sản không xuất hóa đơn, bán không đúng giá niêm yết, khai thác vượt công suất.
Ngoài việc ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, thì hóa đơn còn là chứng từ gốc xác định doanh thu, từ đó làm cơ sở tính nhiều sắc thuế quan trọng liên quan, như: Thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc cơ sở kinh doanh bán vật liệu xây dựng nhưng không xuất hóa đơn là vi phạm quy định của pháp luật về hóa đơn, chứng từ, vi phạm quy định của pháp luật về thuế. Hành vi này gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước khi tính, thu thuế của bên bán và người mua có thể sẽ không thể buộc bên bán phải chịu trách nhiệm nếu có rủi ro về hàng hóa, vì không có hóa đơn hợp pháp”.
Công tác quản lý tài nguyên nói chung, quản lý thu ngân sách nói riêng đối với hoạt động khoáng sản còn rất nhiều bất cập, hiện tượng lãng phí, thất thoát tài nguyên, khai thác khoáng sản trái phép, trốn thuế, gây thất thu ngân sách Nhà nước vẫn diễn ra thường xuyên.
Cách thức trốn thuế của các đối tượng rất phức tạp và tinh vi, với nhiều hình thức khác nhau như: Khai báo sản lượng thấp hơn thực tế; khai báo chất lượng thấp hơn thực tế; không khai báo đầy đủ các kim loại quý hiếm thu hồi được; thiết lập giá bán thấp; kê khai khống các chi phí…
Theo Thanh tra Sở Xây dựng: Tình trạng dễ làm, khó bỏ, khai thác không theo quy hoạch, không theo thiết kế mặc dù đã có xu hướng giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến.
Phương thức xác định giá để tính thuế tài nguyên dựa theo hóa đơn xuất của doanh nghiệp có thể dẫn tới hiện tượng doanh nghiệp khai thác khoáng sản thỏa thuận với đối tác ghi giá trên hóa đơn thấp hơn so với giá trên thị trường nhằm trốn một phần thuế tài nguyên.
“Việc doanh nghiệp tự kê khai sản lượng hàng tháng, quý cho cơ quan thuế trong khi hầu như không có cơ chế giám sát sản lượng hoặc còn rất lỏng lẻo là một kẽ hở lớn trong ngành Công nghiệp khai thác, dẫn tới hậu quả không những tài nguyên khoáng sản bị thất thoát mà Nhà nước còn bị thất thu thuế tài nguyên”, Thanh tra Sở Xây dựng cho biết thêm.
Vướng mắc, bất cập về quy định xử lý vi phạm
Phải thừa nhận rằng, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện, theo đó tỉnh đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác quản lý, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Do lợi nhuận lớn, một số tổ chức, cá nhân bất chấp pháp luật nên tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán, tập kết và tiêu thụ khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra phức tạp. Đối tượng khai thác khoáng sản trái phép lợi dụng địa bàn rộng, thời gian nghỉ, kể cả khai thác vào ban đêm để né tránh việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng. Cùng với đó, các chế tài xử lý chưa đủ mạnh, mặc dù Bộ Luật Hình sự hiện hành đã có quy định xử lý hành vi khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, nhưng trên thực tế để hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc có dấu hiệu hình sự chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra còn gặp nhiều khó khăn nên tính răn đe chưa cao.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường: Điều 54, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định các nội dung chính của giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó, các nội dung, trữ lượng khoáng sản, loại khoáng sản, địa điểm, diện tích khu vực… được xác định trong khu vực thăm dò, đánh giá trữ lượng và khoanh định để tổ chức thực hiện. Thời hạn khai thác khoáng sản được quy định khung tối đa buộc tổ chức khai thác phải chấp hành là không quá 30 năm, được gia hạn nhiều lần nhưng không quá 20 năm; riêng đối với công suất khai thác thì pháp luật không quy định khung tổ chức khai thác phải thực hiện, công suất khai thác là do tổ chức khai thác khoáng sản tự lựa chọn khi lập dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, thiết kế khai thác.
Trong quá trình khai thác, trường hợp phát sinh nhu cầu nâng công suất khai thác quá 15% công suất khai thác khoáng sản đã ghi trong giấy phép khai thác khoáng sản thì tổ chức khai thác khoáng sản được quyền thực hiện thông qua thủ tục điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định tại điểm b khoản 1, Điều 55, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 22/2023/NĐ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ. Do đó, về mặt bản chất, hành vi vi phạm khai thác vượt công suất là việc khai thác khoáng sản khi không thực hiện thủ tục mà pháp luật cho phép để điều chỉnh công suất khai thác.
Cùng với đó, theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính và qua kết quả rà soát hiện nay Hà Tĩnh có 15 mỏ khai thác vượt công suất cho phép dưới 15% không thuộc trường hợp vi phạm phải xử lý vi phạm hành chính.
Đối với 5 mỏ có giá trị khoáng sản vượt công suất cho phép từ 700 triệu đồng trở lên gồm: Mỏ đất phường Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh) của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ vật liệu xây dựng Hồng Hà; mỏ đất xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân) của Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại - dịch vụ Thái Ngọc; mỏ đất xã Nam Điền (huyện Thạch Hà) của Công ty TNHH Đầu tư An Phúc Lộc; mỏ đất xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà) của Công ty Cổ phần Cơ giới và xây dựng 5-3; mỏ đất xã Đức Bồng (huyện Vũ Quang) của Công ty Cổ phần khai thác khoáng sản Vịnh Thắng. Nếu quan điểm áp dụng quy định của pháp luật về hình sự để xử lý trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính khai thác vượt công suất thì 5 mỏ nêu trên thuộc trường hợp phải chuyển cơ quan điều tra xem xét dấu hiệu phạm tội hình sự.
Đối với mỏ đất giá trị khoáng sản vượt công suất từ 1 tỷ đồng, theo quan điểm của Sở Tư pháp: Việc khai thác không đúng với nội dung giấy phép trong trường hợp khoáng sản trị giá 1 tỷ đồng trở lên đối với các doanh nghiệp Công ty Cổ phần Vận tải và Xây dựng 2/9; Công ty TNHH Hoàng Tuấn Khanh có dấu hiệu cấu thành tội vi phạm về quy định nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên đối với pháp nhân thương mại đươc quy định tại điểm b khoản 4, Điều 227 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Hiện tại pháp luật hình sự và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có quy định không thống nhất với nhau về hành vi vi phạm quy định về công suất được phép khai thác. Do đó, có độ vênh về việc xác định điều kiện cấu thành hành vi vi phạm hành chính và dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự.
Như vậy các vướng mắc, bất cập giữa pháp luật vi phạm hành chính và pháp luật hình sự, bất cập trong quy định pháp luật đối với hành vi khai thác vượt công suất đã khiến cơ quan có thẩm quyền lúng túng trong việc xử lý, khiến nhiều tổ chức, cá nhân tìm cách lách luật thu lợi nhuận từ việc khai thác khoáng sản trái phép.
Được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường vừa tiến hành kiểm tra 147 lượt các đơn vị hoạt động khoáng sản, xử phạt vi phạm hành chính 31 đơn vị, với tổng số tiền xử phạt 1,748 tỷ đồng.