6 tháng đầu năm PVS ước lãi trước thuế đạt 400 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm
Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) vừa có sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.
Theo đó, ước tính kết quả 6 tháng đầu năm 2023 với doanh thu hợp nhất là 7.300 tỷ đồng, giảm 7% so với thực hiện cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế 400 tỷ đồng, tăng 7%.
So với kế hoạch 6 tháng, PVS đã vượt lần lượt 38% chỉ tiêu doanh thu và 28% mục tiêu lợi nhuận. Còn so với kế hoạch cả năm, kết quả trên tương đương lần lượt 55% và 51% mục tiêu.
Như vậy ước tính quý II, doanh thu của PVS khoảng 3.595 tỷ, lãi trước thuế 133 tỷ, lần lượt giảm 5% và tăng 96% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo PVS, nửa nhiệm kỳ qua (2020-2023) là giai đoạn thế giới có nhiều biến động, nhanh, bất định, xu hướng khu vực hóa, tăng cường bảo hộ; khoa học kỹ thuật, công nghệ, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số phát triển nhanh, mạnh mẽ và nhanh chóng đi vào đời sống, sản xuất kinh doanh ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống con người tại đa số các quốc gia.
Bên cạnh đó, tình trạng lạm phát cao, chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng cao tại Mỹ, châu Âu và nhiều nền kinh tế lớn làm suy giảm kinh tế, tổng cầu,... ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, PVS đã đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng các phương án, giải pháp, hệ thống các giải pháp ứng phó phù hợp từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh, thị trường, môi trường sản xuất kinh doanh để đảm bảo duy trì thực hiện ổn định, an toàn, hiệu quả các hoạt động.
Theo kế hoạch, năm 2023 PVS đặt mục tiêu doanh thu 13,2 nghìn tỷ đồng, giảm 19,4% so năm trước và lãi ròng 560 tỷ đồng, giảm mạnh 40,7%.
Cũng cần lưu ý rằng kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2023 của PVS cao hơn 15% so với kế hoạch năm 2022, phản ánh quan điểm lạc quan của ban lãnh đạo về năm 2023. Trong 5 năm qua, PVS đã vượt trung bình 35% so với kế hoạch lợi nhuận.
Hiện PVS đã nộp hồ sơ dự thầu tất cả các gói thầu chính của dự án Lô B Ô Môn (vốn đầu tư 10 tỷ USD) và đang chờ công bố kết quả đấu thầu. Nếu dự án Lô B Ô Môn sớm khởi công để đáp ứng nhu cầu khí cho phát điện, doanh thu của PVS có thể được bổ sung khoảng 1 tỷ USD.
Với lĩnh vưc điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới mà PVS đang triển khai, doanh nghiệp đã giành được hợp đồng thiết kế chi tiết kỹ thuật và mua sắm (hợp đồng M&C) để sản xuất 33 chân đế cho các trang trại điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b và Greater Changhua 4 cho Orsted Taiwan Limited – công ty con của Orsted.PVS cũng đang dự thầu các dự án điện gió ngoài khơi khác. Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), PVS có khả năng giành được các hợp đồng M&C điện gió ngoài khơi với tổng giá trị đạt khoảng 4,5 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2030. VCSC thận trọng đưa khoảng 60% tiềm năng này vào mô hình dự báo, bao gồm 1,7 tỷ USD cho giai đoạn 2023-2027 và 1 tỷ USD cho giai đoạn 2028- 2030.
Tiến Hoàng