11 tháng, nhà đầu tư nước ngoài “rót vốn” hơn 25 tỷ USD vào Việt Nam
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tính đến ngày 20/11 đạt 25,1 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 0,4% so với 10 tháng và tăng 10,3% so với 9 tháng.
Báo cáo mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tình hình kinh tế – xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022 của nước ta tiếp tục tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, tuy nhiên tốc độ tăng có xu hướng chậm lại. Kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; lạm phát cao, tăng trưởng thấp; cạnh tranh chính trị, xung đột vũ trang; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… đã làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu.
Với quyết tâm duy trì sự ổn định để phát triển kinh tế – xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Nhờ đó, kinh tế – xã hội nước ta trong 11tháng năm 2022 vẫn giữ vững sự ổn định,các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát.
Đặc biệt, số liệu kinh tế 11 tháng vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tính đến ngày 20/11 đạt 25,1 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 0,4% so với 10 tháng và tăng 10,3% so với 9 tháng. Số vốn này bao gồm bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2022 ước tính đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 ước đạt 58,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 445,9 nghìn tỷ đồng, bằng 74,9% kế hoạch năm và tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 74% và giảm 7,7%).
Theo cơ quan thống kê, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14,96 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 4,19 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 11 tháng có 101 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 395,8 triệu USD, tăng 61,9% so với cùng kỳ năm trước; có 22 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 78,3 triệu USD, giảm 81,9%.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 474,1 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 236,4 triệu USD, chiếm 49,9% tổng vốn đầu tư; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 42,8 triệu USD, chiếm 9%; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 41,1 triệu USD, chiếm 8,7%.
Trong 11 tháng năm 2022 có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với 79,5 triệu USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư; Lào 70 triệu USD, chiếm 14,8%; Hoa Kỳ 38,2 triệu USD, chiếm 8,1%; Đức, Hà Lan, Pháp cùng đạt 34,7 triệu USD, cùng chiếm 7,3%.
Ngoài ra, theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xét về đối tác đầu tư đã có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,78 tỷ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 24% so với cùng kỳ 2021; Nhật Bản đứng thứ hai với trên hơn 4,6 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư, tăng 24,4% so với cùng kỳ. Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký trên hơn 4,1 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư...
Từ đầu năm đến nay, 1.812 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 14,9% so với cùng kỳ. Nếu không tính 2 dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư trong 11 tháng năm ngoái (Điện LNG Long An I và II với vốn đầu tư 3,1 tỷ USD; Dự án Nhiệt điện Ô Môn II với vốn đầu tư 1,3 tỷ USD), thì vốn đầu tư đăng ký mới 11 tháng tăng 19,3% so với cùng kỳ.
Số dự án đầu tư mới cũng tiếp tục tăng so với cùng kỳ và tăng hơn so với các tháng đầu năm. Cùng với đó, có 994 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 13,3% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 9,54 tỷ USD (tăng 23,3% so với cùng kỳ).
Qua nhiều năm, tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng trưởng, và kể cả khi toàn cầu chịu tác động không nhỏ của đại dịch COVID-19, hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư vào Việt Nam vẫn không giảm về độ sôi động, tính hiệu quả và chất lượng. ù có nhiều thách thức, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì là điểm sáng tăng trưởng, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao.
"Việt Nam có mạng lưới FTA rộng khắp và toàn diện với các nước, cả song phương và đa phương, như CPTPP và RCEP. Điều đó đã thực sự mang lại cho các nhà sản xuất ở Việt Nam khả năng tiếp cận rất tốt để xuất khẩu sang các nước khác, ít rào cản thương mại và dễ dàng xuất khẩu. Ngoài ra, trụ cột khác của môi trường kinh doanh thuận lợi là ổn định chính trị, đảm bảo tính nhất quán và môi trường kinh doanh ổn định", ông Brian Lee Shun Rong, nhà nghiên cứu Kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Đầu tư Maybank, Singapore đánh giá.