10.000 căn nhà ở xã hội sẽ được Đồng Nai dự kiến phát triển trong giai đoạn 2021-2025
Trong bối cảnh nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng tăng cao, tỉnh Đồng Nai đang có những bước đi cụ thể để đáp ứng nhu cầu này. Theo kế hoạch, tỉnh dự kiến phát triển 10.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025, nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động và những người có thu nhập thấp.
Theo đó, chỉ tiêu số lượng căn nhà thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 được điều chỉnh tăng từ gần 108,4 nghìn căn lên gần 111 nghìn căn (tương ứng tăng 2.600 căn nhà).
Trong từng loại hình có sự tăng, giảm khác nhau, đáng chú ý là nhà ở xã hội được điều chỉnh tăng từ 2.500 căn lên 10.000 căn (tăng 7.500 căn); còn nhà ở cá nhân, hộ gia đình tự xây dựng lại điều chỉnh giảm từ 84,9 nghìn căn còn 80 ngàn căn (giảm 4,9 nghìn căn). Đối với các loại hình nhà ở khác không thay đổi.
Theo quyết định, Đồng Nai sẽ điều chỉnh tăng tổng nguồn vốn huy động cho các loại hình nhà ở giai đoạn 2021-2025 từ gần 120,6 nghìn tỷ đồng lên gần 124,6 nghìn tỷ đồng (tăng gần 4 nghìn tỷ đồng).
Trong đó, nguồn vốn đầu tư nhà ở xã hội được tăng lên hơn 10 nghìn tỷ đồng, gấp 4 lần so với quyết định năm 2022; xây dựng nhà ở của cá nhân, hộ gia đình khoảng 58 nghìn tỷ đồng, giảm 6% so với quyết định năm 2022; vốn đầu tư nhà ở thương mại gần 46 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư nhà ở tái định cư hơn 10,5 nghìn tỷ đồng và vốn đầu tư nhà ở công vụ 12 tỷ đồng được giữ nguyên.
Trong năm 2023, một số nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đã được mở bán như Dự án Nhà ở xã hội A6-A7, phường Quang Vinh (TP. Biên Hòa), Dự án Nhà ở xã hội phường Bảo Vinh (TP.Long Khánh)…
Nghị quyết với mục tiêu phát triển 10.000 căn NƠXH trong giai đoạn 2021 - 2025 mà tỉnh Đồng Nai ban hành đặt ra yêu cầu về số lượng và lộ trình cụ thể. Theo đó, các huyện, thành phố có đông công nhân như: TP. Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành và Trảng Bom mỗi địa phương thực hiện lựa chọn chủ đầu tư cho từ 2 - 3 dự án nhà ở. Đối với các địa phương còn lại, thực hiện các thủ tục chấp thuận đầu tư cho từ 1 - 2 dự án nhà ở để lựa chọn chủ đầu tư. Sau đó, từ năm 2026, tất cả 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ xây dựng từ 1 - 3 dự án mới.
Dù một số dự án đã triển khai, tuy nhiên về thực tế, việc triển khai các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo Sở Xây dựng Đồng Nai, số lượng địa phương trình hồ sơ chủ trương đầu tư xây dựng NƠXH còn khiêm tốn. Tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án, với số lượng khoảng 6.500 căn, nhưng chưa có dự án nào tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư do liên quan vấn đề pháp lý về đất đai, thủ tục và điều kiện đề xuất chủ trương đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai khẳng định, NƠXH là chính sách đúng đắn và mang tính nhân văn, hướng đến những người lao động có thu nhập thấp để họ có điều kiện tiếp cận được nhà ở. Hiện Sở Xây dựng đã tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị ngành chức năng liên quan tháo gỡ, nhằm giúp người dân, nhất là người lao động thu nhập thấp sớm hiện thức hóa giấc mơ có nhà.
Đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 27m² sàn/người và tổng diện tích nhà ở tăng thêm là 13,3 triệu m² sàn, 2 chỉ số này cũng không đổi so với quyết định trước đó.
Tiến Hoàng