Xanh hóa sản xuất để ngành gỗ tăng cơ hội tìm kiếm đơn hàng
Việc chuyển dịch sản xuất theo hướng giảm phát thải, xanh hóa chuỗi cung ứng là một trong những lý do khiến đơn hàng của ngành gỗ tăng khoảng 7% so với quý trước. Điều này đang cho thấy những cơ hội mới cho các doanh nghiệp ngành gỗ, tuy nhiên mọi thứ vẫn còn phía trước...
Tại Diễn đàn Công nghiệp gỗ, nội thất Việt Nam diễn ra hồi cuối tuần qua tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia nhận định, rằng xuất khẩu gỗ và nội thất dự kiến sẽ đạt 14 tỷ USD cho cả năm 2023. Tuy chưa đạt mục tiêu đặt ra, nhưng đây cũng là kết quả đáng mừng sau suốt thời gian dài tìm kiếm khách hàng, giữ nhịp sản xuất của doanh nghiệp.
Tín hiệu tích cực là đơn hàng từ quý III đã có sự cải thiện, đồng thời các doanh nghiệp cũng nhanh chóng chuyển đổi sản xuất để thích ứng yêu cầu xanh từ các nhà nhập khẩu.
Trình bày tham luận tại diễn đàn, các doanh nghiệp và chuyên gia nhận định, so với mức sụt giảm đầu năm, đến nay ngành gỗ đã có sự tăng trưởng trở lại, các doanh nghiệp bắt đầu nhận thêm đơn hàng mới từ khách hàng châu Âu và Mỹ.
Trong đó, xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, có tính bền vững thân thiện với môi trường đang mở ra nhiều cơ hội, không chỉ có thêm đơn hàng, mà còn giúp doanh nghiệp đàm phán giá cao hơn.
Các doanh nghiệp đánh giá, việc chuyển dịch sản xuất theo hướng giảm phát thải, xanh hóa chuỗi cung ứng là một trong những lý do khiến đơn hàng của ngành gỗ tăng khoảng 7% so với quý trước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù ngành gỗ hiện vẫn chưa chịu nhiều áp lực từ việc giảm phát thải carbon, nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ không tránh khỏi. Vì thế ngay từ bây giờ các doanh nghiệp gỗ cần phải thay đổi cách làm truyền thống theo hướng giảm phát thải, xanh hóa chuỗi cung ứng hiện tại, coi đây là cơ hội để chuyển mình, gia tăng giá trị thương hiệu và thu hút đơn hàng.
Hiện Việt Nam đứng thứ bảy trên thế giới về sản xuất sản phẩm gỗ và đồ nội thất, là nước xuất khẩu lớn thứ hai trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đứng thứ năm thế giới với thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc.
Mục tiêu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt 20 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 18,5 tỷ USD. Đến năm 2030, giá trị xuất khẩu đạt 25 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 20,4 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu xanh hóa, tăng cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành có được đơn hàng thường xuyên và tốt hơn, yêu cầu phải sản xuất xanh đang trở nên bắt buộc.
Theo các chuyên gia, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU tới đây sẽ tác động đến doanh nghiệp Việt Nam trong đó có ngành gỗ. Cơ chế này dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10/2023, qua thời kỳ quá độ 2022 - 2026 để tổng hợp dữ liệu, trao đổi thông tin, thí điểm kê khai và dự kiến được áp dụng chính thức và đầy đủ từ 2027. Trước mắt CBAM sẽ được áp dụng với các mặt hàng sắt, thép, nhôm, điện, phân bón và xi măng, sau đó từ năm 2030 mở rộng ra toàn bộ các sản phẩm nhập khẩu.
Tuy nhiên, bổ sung CBAM chỉ là một yêu cầu của EU. Điểm đáng chú ý là nước Mỹ hiện đang dự thảo một đạo luật nghiêm hơn CBAM và nhiều khả năng sẽ thực thi rất sớm, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh cũng sẽ áp dụng các cơ chế tương tự… Theo các chuyên gia, đây đều là những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, nếu chúng ta không nhanh chóng áp dụng xu hướng này, chúng ta không những không có đơn hàng, mà còn có nguy cơ dừng cuộc chơi.
Bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu từ các nhà nhập khẩu, yêu cầu từ trong nước cũng đòi hỏi các doanh nghiệp gỗ phải thay đổi theo hướng xanh, điều mà Việt Nam đã cảm kết đến năm 2050 chúng ta sẽ giảm mức phát thải carbon về 0. Đó là điều mà các doanh nghiệp ngành gỗ cần phải quan tâm và quyết tâm thực hiện tốt hơn để thay đổi chính mình.
Thái Đạt