Vốn FDI vào bất động sản công nghiệp, khu kinh tế là tín hiệu tốt
Trung bình mỗi năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 30-40%.
Bất động sản đang bước vào thời kỳ phục hồi hậu Covid-19, cùng với đó là những chỉ số khả quan về nguồn vốn FDI vào bất động sản trong năm 2022 đã tạo ra kỳ vọng lớn cho thị trường năm 2023. Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 30-40% tổng vốn đăng ký tăng thêm của cả nước.
Cụ thể, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua và được đánh giá là tín hiệu tốt cho doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp trong nước năm 2023, Tổng cục Thống kê cho hay.
Tính đến tháng 12/2022, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt gần 27,72 tỷ USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế quốc dân; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, tiếp đến là ngành kinh doanh bất động sản.
Tính về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất.
Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất linh kiện và dịch vụ sản xuất các thiết bị điện tử như AirPods, iPad, Apple Watch cho Apple, chiếm lần lượt 30%, 25,1% và 16,3% tổng số dự án, theo Tổ chức JP Morgan cho hay
Cũng theo nhận xét của Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận dịch vụ công nghiệp John Campbell thuộc Tổ chức Savills Việt Nam, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cùng các biến động địa chính trị là chất xúc tác cho sự đa dạng hóa về lĩnh vực sản xuất tại thị trường Việt Nam.
Ở giai đoạn thăm dò thị trường, các nhà đầu tư thường có nhu cầu thuê nhà xưởng để hoạt động với quy mô nhỏ. Sau đó, họ có thể xem xét quyết định đầu tư lâu dài, mở rộng sản xuất thông qua việc mua đất và xây nhà xưởng, từ đó kéo theo sự tăng trưởng về nhu cầu đối với các nhà xưởng và nhà kho xây sẵn.
Giới phân tích đánh giá việc phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm tăng kết nối vùng trở thành điểm sáng giúp bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo thống kê trong tháng 12/2022 của nhóm phân tích Công ty Chứng khoán SBS, cả nước có 84 khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy gần như hoàn toàn, còn lại đạt trung bình khoảng 80%. Đặc biệt, bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng cả về giá lẫn nhu cầu.
Về giá cho thuê bất động sản công nghiệp tăng khoảng 10% so với cùng kỳ, trung bình từ 100-120 USD/m2/chu kỳ thuê và có thể giá thuê tiếp tục tăng, nhất là tại thị trường phía Nam. Loại hình bất động sản này có thể đạt lợi suất từ 8-11% và lợi nhuận trung bình của nhà cho thuê khoảng hơn 4%/năm.
Trong khi nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Vndirect cho rằng tăng trưởng của doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có thể gặp trở ngại khi nguồn cung mới suy giảm do những khó khăn về thủ tục pháp lý.
Dự báo thị trường bất động sản công nghiệp được cho là sẽ khan hiếm nguồn cung đến cuối năm 2023 ở cả hai miền Nam - Bắc khiến cạnh tranh trong ngành tăng cao và lợi thế thuộc về doanh nghiệp có sẵn quỹ đất sạch.
Để tiếp tục thu hút dòng vốn vào bất động sản công nghiệp, các đơn vị cung ứng cũng cần phải liên tục đổi mới. Đại diện Colliers cũng cho rằng, các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp cần chủ động chuyển đổi để đón đầu các xu hướng mới, bắt kịp "khẩu vị" mới của các nhà đầu tư, chẳng hạn như hoạt động theo mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Huyền Diệu