Vĩnh Phúc: Cần làm rõ việc khai thác cát trên sông Hồng đoạn qua xã Cao Đại
Dù UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có “lệnh” tạm dừng nhưng hoạt động khai thác cát trên sông Hồng đoạn qua địa bàn xã Cao Đại (Vĩnh Tường) vẫn diễn ra rầm rộ như một công trường, tiếng ồn từ máy tàu, máy cẩu vang khắp cả một vùng quê.
Nghị định 23 của Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông đã quy định thời gian được phép hoạt động khai thác cát sỏi, lòng sông trong ngày, từ 7h sáng đến 17h, không được khai thác ban đêm. Thế nhưng, tại nhiều địa phương, tình trạng khai thác sai quy định vẫn diễn ra hàng ngày.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, nơi cùng lúc có các hệ thống sông Hồng, sông Lô chảy qua với trữ lượng cát, sỏi dồi dào nên hoạt động khai thác cát sỏi những năm trước đây diễn ra hết sức phức tạp. Việc khai thác khoáng sản trái phép không chỉ gây thất thoát tài nguyên, sạt lở bờ bãi, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn…mà còn làm ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương.
Để chấn chỉnh hoạt động khai thác cát sỏi trên địa bàn, ngày 27/3/2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản số 2042/UBND-NN4 yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi trên sông Lô, và sông Hồng thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tạm dừng hoạt động khai thác cát sỏi.
Thời gian tạm dừng từ 7h30 ngày 28/3 cho đến khi có ý kiến chỉ đạo tiếp của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Mọi hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi trên hai tuyến sông Lô và sông Hồng thuộc địa bản tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra sau thời điểm này là khai thác khoáng sản trái phép.
Cùng với đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ đạo các huyện: Sông Lô, Lập Thạch, Vĩnh Tường, Yên Lạc, công an, thanh tra tỉnh tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tạm dừng khai thác cát, sỏi trên tuyến sông; tổ chức lực lượng tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp khai thác trái phép theo đúng quy định pháp luật.
Sau một thời gian im ắng, thời gian gần đây do nhu cầu thị trường đang từng bước phục hồi khiến giá cát vật liệu xây dựng nhất là giá cát, vật liệu xây dựng tăng cao khiến các đối tượng bất chấp quy định pháp luật, đưa phương tiện ra khai thác cát trái phép nhằm trục lợi bất chính.
Những ngày giữa tháng 6/2023, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường nhận được thông tin phản ánh về tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn xã Cao Đại (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).
Theo phản ánh của người dân, do đây là khu giáp ranh với phường Bạch Hạc (TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ); các xã Tản Hồng, Phú Châu, TT.Tây Đằng (huyện Ba Vì, TP.Hà Nội) nên hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra hết sức phức tạp. Hoạt động khai thác cát diễn ra trong nhiều ngày liền nhưng chưa bị các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý.
Từ phản ánh của người dân, sau nhiều ngày có mặt tại hiện trường theo dõi quy luật của nhóm đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn giáp ranh giữa Vĩnh Phúc và Phú Thọ, TP.Hà Nội, Phóng viên đã nắm bắt được quy luật hoạt động của nhóm đối tượng này.
Để khai thác cát sỏi trái phép tại khu vực này, nhóm đối tượng này sử dụng tàu cuốc, máy xúc các tàu cảnh giới, cùng nhiều tàu chở hàng các loại công suất từ 600 m³ - 800 m³. Ngoài một số tàu hàng có đăng ký đăng kiểm thì số còn lại đều không có biển kiểm soát.
Theo đó, sau khi tàu “hàng” vận chuyển cát bắt đầu cập mạn tàu cuốc thì cũng là lúc các đối tượng bắt đầu hoạt động khai thác cát. Tiếng ồn từ động cơ máy cẩu, máy tàu vang khắp cả một vùng quê hai bên sông Hồng.
6h sáng ngày 19/6, Phóng viên có mặt trên địa bàn xã Cao Đại. Tại thời điểm phóng viên có mặt, trên một đoạn sông Hồng chưa đầy 1km có gần chục chiếc tàu cuốc hoán cải đang nằm xếp hàng lần lượt trên khúc sông trên. Theo ghi nhận của phóng viên, tại thời điểm này, dù chưa được phép khai thác cát theo quy định nhưng hoạt động khai thác cát tại khu vực này diễn ra rầm rộ như một công trường.
Lúc này, một chiếc tàu cuốc hoàn cải khai thác ngay sát chân bãi bồi thuộc địa bàn xã Cao Đạo, điểm khai thác của các đối tượng các chân bãi bồi chưa đầy 20m, cách UBND xã Cao Đại chưa đầy 300 m theo đường chim bay.
Đối với cách thức khai thác này luôn có sự xuất hiện của tàu cuốc hoán cải, máy xúc và tàu “hàng” vận chuyển cát. Theo ghi nhận của phóng viên vào lúc 6h sáng ngày 19/6, một tàu hàng loại 800 m3 đã được lấp đầy gần hết hai khoang hàng. Bên cạnh tàu hàng này là 4, 5 chiếc tàu hàng cùng loại đã cập mạn chờ đến lượt “ăn hàng”.
Do ảnh hưởng từ hoạt động khác thác cát sỏi trái phép của các đối tượng, cả một đoạn bãi bồi dài hàng trăm mét đang bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào bãi bồi hàng chục mét. Hàng trăm mét vuông đất bãi bồi của người dân bị kéo sập xuống dòng sông Hồng.
Sau nhiều ngày ghi nhận, Phóng viên ghi nhận mỗi đêm các đối tượng khai thác được từ vài nghìn đến cả vạn m3 cát sỏi. Số cát sỏi này ngay lập tức được tàu hàng vận chuyển đưa đi nơi khác tiêu thụ.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường cho biết trên địa bàn không có đơn vị nào được cấp phép khai thác cát. Mọi hoạt động khai thác cát trên địa bàn là trái phép. Ông Hùng cũng đề nghị Phóng viên cung cấp thông tin cho UBND xã phối hợp với lực lượng công an kiểm tra xử lý.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ…
Hoạt động này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông; Sạt lở bờ, bãi ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt sản xuất hoa màu; Đe dọa đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản và an toàn của người dân; Suy giảm mực nước sông trong mùa cạn…
“Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.
Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!
Nhóm PV